Thái Nguyên - Tỉnh thứ 10 có dịch tả lợn châu Phi

SKV 247
Th 6 08/03/2019

Sáng nay (8/3), Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ ngày 1/2-7/3/2019 (cập nhật đến 17h), dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 560 hộ, 210 thôn, 84 xã, 27 huyện của 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên).

Thái Nguyên - Tỉnh thứ 10 có dịch tả lợn châu Phi - 1

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hòa Bình. (Ảnh: Báo Hòa bình).

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên, Cục Thú y cho biết: Từ tháng 8/2018, khi có nguy cơ bệnh DTLCP có khả năng lây lan, xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 và tổ chức Hội nghị trực tuyến do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch bệnh.

Hàng loạt giải pháp đưa ra để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh DTLCP: Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh DTLCP; Trường hợp 1 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTLCP. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của DTLCP mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dẫy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

Giải pháp khoanh vùng ổ dịch: Ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 01 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút DTLCP.

Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút DTLCP.

Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút DTLCP.

Vùng đệm: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút DTLCP.

Thái Nguyên - Tỉnh thứ 10 có dịch tả lợn châu Phi - 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch tại Hải Phòng ngày 2/3.

Giải pháp dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển.

Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

Giải pháp về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch: Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Thái Nguyên - Tỉnh thứ 10 có dịch tả lợn châu Phi - 3

Người dân rắc vôi bột khử trùng tại vùng xuất hiện ổ dịch  tại huyện Phú Bình - Thái Nguyên (Ảnh: Ngọc Ánh).

Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh: Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

Cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát và gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh DTLCP.

Theo dantri

Viết bình luận của bạn