Nhầm đột quỵ với trúng gió có thể mất mạng!
SKV 247
Th 2 01/10/2018
Chỉ có 5% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến cơ sở y tế sớm
PGS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ não (tai biến mạch máu não - có thể do thiếu máu não hoặc xuất huyết não) là bệnh gây tổn thương các tế bào não do thiếu ôxy dẫn tới hậu quả bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê … khả năng gây tử vong cao, hoặc gây tàn phế
Di chứng của bệnh gánh nặng cho xã hội nên đột quỵ não luôn được coi là vấn đề thời sự của các nước đang phát triển.
Trên thực tế, đột quỵ do thiếu máu não thường gặp hơn với tỷ lệ: 2 đột quỵ thiếu máu não/ tổng số 3 bệnh nhân bị đột quỵ.
PGS Tôn nhấn mạnh, đột quỵ não là một cấp cứu y khoa khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người bệnh cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.
"Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế di chứng rất cao.
Tuy nhiên trên thực tế mới chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến cơ sở y tế sớm" – PGS Tôn cho biết.
PGS Mai Duy Tôn
Phân biệt đột quỵ với trúng gió
Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu sớm của đột quỵ với hiện tượng "trúng gió, cảm" … rồi tiến hành cạo gió, nặn máu, giật tóc mai, lấy máu đầu ngón tay… Sai lầm đó có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm và mất đi cơ hội vàng, nguy hiểm đến tính mạng hoặc khả năng hồi phục cho người bệnh.
Trong y học, trúng gió (trúng phong) còn gọi là cảm, thường xảy ra khi thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, gió, lạnh, sương, nước… tác động vào cơ thể một cách đột ngột. Bất cứ ai cũng có thể bị trúng gió, nhất là những người có sức đề kháng yếu, suy nhược, làm việc quá sức, say rượu, người có tiền sử hạ đường huyết, hạ huyết áp, huyết áp không ổn định…
Biểu hiện trúng gió như mệt mỏi, xây xẩm, chóng mặt, đau đầu, nhiệt độ cơ thể thất thường lúc nóng lúc lạnh, đau bụng, nôn ói, đau nhức cơ thể thậm chí có thể bị liệt dây thần kinh ngoại biên gây méo mặt (liệt dây thần kinh ngoại biên), té xỉu nhưng sau khi nằm xuống nghỉ ngơi, xoa dầu, cạo gió "đánh cảm" uống cốc trà gừng, máu sẽ lưu thông lên đầu lại và khỏe như bình thường.
Còn đột quỵ là bệnh vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn cả ở người trẻ, một số ít trường hợp ở trẻ em chưa đến 10 tuổi, người mắc bệnh huyết áp, tim mạch, phổi, tiểu đường là đối tượng rất dễ bị đột quỵ. Người mắc bệnh đột quỵ có thể ở 2 thể sau:
Nhẹ: bỗng dưng hơi đầy lưỡi, nói hơi ngọng, liên quan đến một nhóm cơ như: khó khăn trong cầm nắm vật, rất hay làm rơi vật.
Nặng: rối loạn ngôn ngữ, mất tiếng, không nói được, mất trí nhớ, tê một nhóm cơ như: liệt nửa người, hôn mê thậm chí tử vong.
PGS Tôn cho biết, khi nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ người nhà hoặc những người ở gần bệnh nhân cần giữ cho người bệnh không bị ngã gây chấn thương thêm. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên để nếu bị nôn sẽ không gây sặc vào đường hô hấp, móc hết đờm dãi cho bệnh nhân dễ thở.
Tận dụng tối đa 3 giờ đầu – giờ vàng, để đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi di chuyển.
Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo. Đó cũng là những hướng dẫn đã được đưa ra trong tài liệu của các kỳ sinh hoạt trước.
Bác sĩ chia sẻ quy tắc "vàng" nhận biết cơn đột quỵ đó là 4 dấu hiệu hay còn gọi F.A.S.T.
1. Face - Mặt: Mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng: để bệnh nhân ngồi ngay ngắn để quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười, "thổi lửa", nhe răng;
2. Arm - Tay: Yếu hoặc liệt tay, chân: yêu cầu bệnh nhân giơ đều hay tay, hai chân lên, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có liệt.
3. Speech - Nói: Ngôn ngữ bất thường: yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu không lưu loát, giọng "méo" hoặc không nói được đó là dấu hiệu bất thường.
4. Time - Thời gian vàng: "Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương, nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ" - PGS Tôn nhấn mạnh.
theo Trí Thức Trẻ