Hiểm họa từ trào lưu “anti-vaccine”
Quản Trị Viên
Th 7 04/05/2019
Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa “anti-vaccine”, người dùng sẽ nhận được rất nhiều kết quả, kể cả địa chỉ của các trang fanpage kêu gọi chống tiêm vaccine. Các hội, nhóm tuyên truyền tẩy chay tiêm vaccine tự thành lập trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, chọn lọc và kiểm duyệt thành viên kỹ càng để họ có thể lan truyền tin giả hoặc chưa kiểm chứng đến đúng đối tượng mà không vấp phải phản ứng.
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu Những nhóm, hội này có những luận điệu tuyên truyền phản khoa học khá giống nhau như: vaccine độc vì chứa các hóa chất nguy hiểm như MSG, chất chống đông máu, phenol, formaldehyde, nhôm và chì; vaccine có thể có tác dụng ngược, khiến bạn nhiễm bệnh; vaccine gây dị ứng; vaccine không hiệu quả đến mức không đáng để tiêm vào người; vaccine gây ra chứng tự kỷ; tiêm chủng chỉ là quyền lợi bản thân, không tiêm chủng cũng không sao; các công ty dược che giấu thứ gì đó nguy hiểm để kiếm tiền từ vaccine… Những luận điệu tuyên truyền cảm tính, quy chụp nhưng đã tác động đến thành tựu tiêm chủng vaccine của nhân loại hơn 2 thế kỷ qua. Và điều đáng lo nhất là nhiều người tham gia vào các hội, nhóm này đa phần đều tin vào những luận điệu ấy. “Anti-vaccine” đang lôi cuốn rất nhiều cha mẹ ở nhóm những người trẻ tuổi tham gia và quay về với những cách phòng bệnh thời nguyên thủy, để cơ thể tự chống chọi với bệnh tật. Nhiều người mẹ ấu trĩ đến mức mang cả sinh mạng của con mình ra làm thí nghiệm khi đăng dòng bình luận: “Cả ngành y tế lẫn người dân đang nháo nhào vì dịch sởi, họ lôi những đứa trẻ ra chích virus vào người để gọi là phòng bệnh. Con mình thì không, tuyệt đối không, chính sức đề kháng của cơ thể mới là loại vaccine tốt nhất trước mọi loại bệnh”. Suy nghĩ và hành động của các bậc cha mẹ “anti-vaccine” đang đẩy con trẻ vào vòng nguy hiểm của các loại bệnh truyền nhiễm. Thực tế tại TP HCM, ngoài số trẻ bị quên lịch tiêm chủng nên không tiêm chủng đầy đủ thì cũng không ít trẻ hoàn toàn không được tiêm chủng do cha mẹ cự tuyệt với vaccine. Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vừa tiếp nhận cháu Trần Anh K (25 tháng tuổi, ngụ quận Tân Bình) với biểu hiện sốt cao, nổi ban đỏ. Mẹ cháu bé kể, vì tin theo trào lưu “anti-vaccine” trên mạng, từ khi bé được 4 tháng tuổi đến nay, chị đã không cho con tiêm phòng, sợ con về ốm nhiều hơn. Vì vậy, chị ở nhà chăm sóc con, đồng thời ít cho bé tiếp xúc với người lạ để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng bé K vẫn mắc sởi. Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận 9, TP HCM chia sẻ: “Có nhiều trường hợp, chúng tôi đến tận nhà để vận động cha mẹ đưa trẻ đi chích ngừa. Ban đầu họ cáo bận, sau đó họ từ chối thẳng thừng. Nhiều người còn tỏ thái độ căng thẳng với nhân viên y tế. Họ cho rằng, vaccine có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của con em họ, chích ngừa là không cần thiết”. Vị này cũng đề cập đến một trường hợp gần đây nhất, trong đợt tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi, khi được cán bộ y tế thuyết phục đưa con đi tiêm, có người mẹ còn nói rằng: “Con tôi từ lúc sinh ra đến giờ không tiêm mũi vaccine nào mà cháu có sao đâu!”. Tuy nhiên, không lâu sau đó, con của chính người mẹ đó mắc bệnh sởi. Theo các bác sỹ, thực tế, khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt cả con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh. Bởi khi tỷ lệ tiêm chủng chỉ cần đạt từ 95% trở lên sẽ tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ không đủ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm, do đó khiến dịch bệnh lan rộng ngay khi có trường hợp phát bệnh. Cần phải tái khẳng định rằng, tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 cho thấy: bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần. Kết quả giám sát các bệnh trong TCMR ở Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vaccine phòng ngừa trong chương trình TCMR và đều duy trì chiều hướng giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần. Điều đáng nói là nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát và cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định TCMR và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng. TCMR luôn bảo đảm 3 yêu cầu cơ bản: Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Tất cả các vaccine đều phải bảo đảm tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc chữa bệnh, bất kỳ loại vaccine nào dù tốt đến đâu vẫn không thể an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Thông thường các cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine. Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vaccine cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sỹ, chuyên gia. Không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng. Ngày nay, mạng xã hội là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Hãy tỉnh táo, tìm hiểu kỹ càng trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, một trào lưu nào đó!
|
theo petrotimes