Hà Nội: Một trẻ tử vong sau tiêm vắc xin

SKV 247
Th 7 12/01/2019

Ngày 11/1, Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng xác nhận về trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm tại Thạch Thất (Hà Nội). Tuy nhiên, hiện chưa thể đưa ra nguyên nhân tử vong, do cơ quan chức năng đang tiến hành mổ tử thi tìm nguyên nhân.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng xác nhận có ca phản ứng sau tiêm phòng tại Thạch Thất. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành giám định pháp y, tìm nguyên nhân tử vong.

Hà Nội: Một trẻ tử vong sau tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Vắc xin ComBE Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT – VGB – Hib). Ảnh: H.Hải

  

Trước đó, sáng 9/1, cháu bé 70 ngày tuổi (thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm - Thạch Thất - Hà Nội) được đưa đi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 ComBE Five tại trạm y tế xã. Sau khi tiêm về bé sốt được gia đình cho uống thuốc hạ sốt.

Đến rạng sáng hôm sau (10/1), thấy con có biểu hiện bất thường, chảy máu mũi gia đình đã đưa đến trạm y tế xã cấp cứu, rồi chuyển lên BV Đa khoa Thạch Thất nhưng bé đã không qua khỏi.

Vắc xin ComBE Five được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế vắc xin Quinvaxem. Sau giai đoạn triển khai trên quy mô hẹp, vắc xin được chính thức sử dụng trên toàn quốc. Đến nay cả nước đã có 130 nghìn trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố. Trong đó, tỉ lệ phản ứng thông thường là 2,5% (các phản ứng sốt, sưng đau tại chỗ) và phản ứng nặng quấy khóc dai dẳng, tím tái là 0,05%.

Trước đó, đầu năm 2018, nhà sản xuất tại Hàn Quốc ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem nên Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng vắcxin ComBE Five có thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương đương. Loại vắcxin này do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010 và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO, vắc xin đã được sử dụng tại 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Ngay tại Ấn Độ, vắc xin ComBE FIVE cũng đang được sử dụng trong chương trình TCMR. Vắc xin này sử dụng tại 43 quốc gia cũng đều phải tuân thủ báo cáo từng trường hợp phản ứng sau tiêm cho WHO. Cũng đã ghi nhận các ca tử vong sau tiêm chủng nhưng sau điều tra, hầu hết các trường hợp này không liên quan tới vắc xin.

Theo dantri

Viết bình luận của bạn