Dùng chất làm thuốc trừ sâu để bảo quản cá khô
SKV 247
Th 3 13/11/2018
Văn bản từ Chi cục ATVSTP nêu rõ các thành phần chất bảo quản được sử dụng trong đồ khô tại TP. Cà Mau.
Cụ thể, dựa theo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm tại Viện Y tế Công cộng TPHCM, nhiều mẫu cá khô của 3 vựa cá khô trong danh sách kiểm tra đã "dính" chất cấm nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Cụ thể, tại vựa khô Thành Chinh (đường Phan Bội Châu, phường 7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), các mẫu khô cá mối, cá chỉ vàng, cá thòi lòi dương tính chất Natri Borat (còn gọi là hàn the).
Cơ sở sản xuất bánh mì Ba Nhàn (phường 5, TP Cà Mau) thì có sản phẩm chả lụa, chả chiên có chất Natri Benzoat, nhóm Phosphat (P2O5).
Tại vựa khô Liêm Biển (đường Phan Bội Châu, phường 7), khô cá rún và đầu cá rún "ngậm" phải chất trichlorfon (chất dùng làm thuốc trừ sâu) - chất rất nguy hiểm nên không được sử dụng trong thực phẩm.
Trichlorfon có độc tính thuộc nhóm độc II, có khả năng gây hại đến sức khỏe con người khi bị hấp thụ vào cơ thể, dẫn đến các triệu chứng xuất huyết, tức ngực, khó thở do co thắt ống phế quản. Trường hợp bị nặng có thể bị bất tỉnh, rối loạn thần kinh, nhịp tim bất thường hay có thể dẫn đến tử vong.
Chất này được dùng để trừ nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút cây trồng.
Trichlorfon, Hàn the, P2O5 đều là các loại hóa chất không có tên trong danh mục phụ gia dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế.
Một số cơ sở chế biến khô do thiếu hiểu biết hoặc cố tình sử dụng các chất cấm này trong bảo quản nhằm tránh bị ruồi bám vào, ngăn kiến, dòi đục cá khô.
Chi cục ATVSTP Cà Mau cũng khuyến cáo hộ kinh doanh cá thể, cơ sở chế biến và cả người tiêu dùng, tuyệt đối không được sử dụng phụ gia hoặc hóa chất nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.
Trước đó, Chi cục ATVSTP Cà Mau đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành hậu kiểm hơn 700 mẫu thực phẩm (khô, tinh bột, sản phẩm từ thủy sản, bánh tráng…) đang được bày bán và lưu hành trên địa bàn TP.Cà Mau.
Theo dantri