Báo động: Nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới, đa số là người trẻ

Quản Trị Viên
Th 4 16/12/2020

Đó là ý kiến của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đưa ra tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác về nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống Đột quỵ tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023 diễn ra vào chiều nay (15/12).

Tại buổi lễ, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, cảnh báo đột quỵ, được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì gánh nặng của gia đình và xã hội sẽ được giảm bớt.”

Theo ông Khuê, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong ở nước ta. Mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có tới 50% số người bị đột quỵ tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ nhưng họ phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí mất khả năng lao động, để lại gánh nặng lớn cho cộng đồng.

Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, và năm trở lại đây, đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ.

Đáng chú ý, thống kê tại các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới. Vì thế, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ cho người dân là vô cùng cần thiết.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, cũng như vai trò của thông tin số, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã thiết lập một kênh thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin quan trọng về bệnh lý đột quỵ cho người dân.

Theo Viettimes

Viết bình luận của bạn