4 tuổi đã viêm dạ dày, bác sĩ chỉ ra 4 nguyên nhân
Quản Trị Viên
Th 2 21/09/2020
Viêm dạ dày là căn bệnh tưởng chừng chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng hiện nay trẻ em mắc ngày càng tăng.
Nhầm lẫn với bệnh giun
Bé Nguyễn Xuân H. 8 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội vào viện trong tình trạng da xanh, gày yếu. Bố mẹ của H. cho biết cháu thường xuyên kêu đau bụng quanh rốn. Ăn uống không ngon nên gia đình đã mua thuốc giun về cho con uống.
Tuy nhiên, tình trạng đau bụng không đỡ. Bé ngày càng mệt mỏi, xanh xao. Khi vào viện, bác sĩ nội soi dạ dày gây mê cho kết quả hoàn toàn ngược lại. Bé không bị giun mà bị xuất huyết dạ dày gây tình trạng mất máu nên cơ thể bé xanh xao, mệt mỏi.
Bác sĩ chỉ ra 4 nguyên nhân viêm dạ dày ở trẻ (Ảnh minh họa)
Hay như trường hợp bệnh nhân Phạm Thanh K. 4 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bé K. bị đau bụng mơ hồ ở rốn và thiếu máu nhẹ. Bố mẹ cho đi khám nhưng chỉ biết cháu thiếu chất và về tẩm bổ nhưng tình trạng không cải thiện.
Sau khi đưa bé đi khám chuyên sâu tiêu hoá, bác sĩ siêu âm bụng phát hiện có chất dịch trong ổ bụng bé. Kết quả chụp CT scan bụng sau đó cũng chỉ kết luận có dịch trong bụng bé, ở vùng quanh đầu tụy. Bác sĩ không tìm ra bệnh của bé, cho đến khi nội soi dạ dày mới phát hiện ra một ổ loét khổng lồ ở tá tràng ngay cạnh đầu tụy.
Khi biết con bị loét dạ dày, bố mẹ của bé K, hốt hoảng vì từ trước tới nay họ chỉ nghĩ người lớn mới bị bệnh này.
Vì sao trẻ nhỏ viêm dạ dày?
PGS Nguyễn Thị Vân Hồng – Nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay tuần suất trẻ mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng tăng. Các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em được chia thành 4 nhóm.
Thứ nhất, nguyên nhân liên quan đến nhịp sống, lối sống. Nguyên nhân này làm gia tăng các bệnh viêm loét dạ dày ở tất cả mọi người và cũng không loại trừ trẻ nhỏ.
Hiện nay, trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống, nhịp sống, áp lực học hành; lối sống ăn uống không khoa học là nguyên nhân gây gia tăng bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ.
Thứ hai, trẻ mắc viêm loét dạ dày một phần căn nguyên liên quan đến yếu tố di truyền. Loét hành tá tràng những ổ lớn thì khai thác thấy trong gia đình cũng có người bị.
Thứ ba, là chế độ ăn uống, ngủ nghỉ… trẻ em cũng làm việc ăn uống, ngủ nghỉ ngang ngửa với người lớn cho nên tần suất bài tiết axit cũng bị nhiều hơn lên, đây chính là yếu tố tấn công vào thành niêm mạc dạ dày. Thói quen ăn uống thức ăn nhanh, sử dụng nhiều đồ uống có gas, đóng chai… gây ra tình trạng viêm loét dạ dày ở lớp trẻ.
Thứ tư, tỉ lệ nhiễm HP trong cộng đồng là 60-70%, người có tình trạng viêm loét dạ dày thì cao hơn 80-90%. Việc điều trị, kiểm soát HP làm lành tổn thương dạ dày. Việc phát hiện ra HP ghi nhận tình trạng viêm loét dạ dày theo xu hướng càng tăng dần lên. Nhiều trẻ 2, 3 tuổi đã nhiễm HP qua quá trình sàng lọc cùng với gia đình.
Khi trẻ bị viêm loét dạ dày, bác sĩ Vân Hồng cho biết việc đầu tiên là phải xác định nguyên nhân và điều trị.
Chăm sóc trẻ bị viêm loét dạ dày cũng cần chú ý giữ vệ sinh ăn uống do vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa. Việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh: bát đũa rửa chưa sạch, không rửa tay trước khi ăn, gắp mớm thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn hàng quán…đều là những nguyên nhân làm tăng khả năng trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn HP.
Dùng thức ăn giảm tiết dịch vị: Chất ngọt, chất béo ít gây tiết dịch vị. Thịt nạc, cá nạc gây tiết nhiều dịch vị cho nên không ăn quá nhiều thịt, cá, nước luộc thịt, cá.
Tránh dùng các loại kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn.
Cần ăn thành nhiều bữa nhỏ, có thể ăn thêm các bữa phụ vào lúc 10 giờ, 15 giờ và 22 giờ vì ăn số lượng ít sẽ làm giảm sự căng dạ dày nên giảm tiết axít dạ dày. Không ăn quá nhiều canh cùng bữa cơm vì làm căng dạ dày gây tiết axit.
Nên ăn thường xuyên, đều đặn, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Khoảng cách giữa các bữa ăn ngắn giúp trong dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa axit và giảm đau.
Theo infonet