Cảnh báo nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày từ nụ hôn

SKV 247
Th 4 24/10/2018

Theo GS.TS Đào Văn Long – nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiễm HP là một trong những nhiễm trùng mạn tính phổ biến nhất thế giới. Hiện khoảng một nửa dân số toàn cầu bị nhiễm HP. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm HP cao nhất: Khoảng 70% dân số.

Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trẻ em (đặc biệt là các cháu dưới 10 tuổi) thường là đối tượng dễ nhiễm HP nhất. Nguyên nhân là do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống, hoặc quen tiếp xúc gần gũi, hôn hít của người lớn với trẻ nhỏ.

Ngoài ra, do hệ miễn dịch của các bé chưa thực sự hoàn chỉnh, nên nguy cơ lây nhiễm thường sẽ cao. Vì vi khuẩn HP có thể vào cơ thể con người theo 3 con đường từ động vật sang người, từ ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước sang người và nguồn lây từ người sang người là đường lây rất phổ biến, nhất là với trẻ em. 

Trẻ em nhiễm HP cũng có thể bị các biến chứng khó tiêu, viêm dạ dày cấp và mạn. Một số trường hợp trẻ nhiễm HP bị loét dạ dày tá tràng. Một số khác, HP có thể gây ra một dạng U mô lympho trên lớp niêm mạc dạ dày (u MALT) khi lớn lên. Tuy nhiên, để tiến triển thành các bệnh ung thư dạ dày thì phải đòi hỏi một quá trình viêm teo lâu dài. Vì vậy biến chứng này ít xuất hiện ở trẻ em.

Hôn nhau là một trong những con đường lây lan của vi khuẩn HP

Triệu chứng biểu hiện của các bệnh trên có những đặc trưng riêng, nhưng thường là đầy bụng, ợ chua, ợ hơi, hoặc đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị, trẻ bé có thể chán ăn, buồn nôn, chậm lớn… Một số trẻ bị loét dạ dày tá tràng có thể vào viện vì nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi. Đôi khi trẻ không biểu hiện gì nhiều ngoài việc ngày càng xanh xao, thiếu máu mà không giải thích được.

HP là nguyên nhân chủ yếu gây nên loét dạ dày tá tràng. Các bằng chứng về việc HP gây loét đã được chứng minh cả về mặt thống kê, cả trên mô hình thực nghiệm và trên lâm sàng khi tiệt trừ vi khuẩn này.

Ngoài ra, Tổ chức nghiên cứu về ung thư quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp HP là nhân tố chủ yếu gây ung thư biểu mô tuyến dạ dày và gây u MALT thuộc nhóm 1. Người ta cũng đã thấy ở những nước có tỉ lệ nhiễm HP cao thì tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao ví dụ như ở Hàn Quốc, Nhật, Nam Phi, Việt Nam. Còn ở những nước như Âu Mỹ, tỉ lệ nhiễm HP thấp và tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cũng thấp.

Tuy nhiên, GS Đào Văn Long cũng cho biết thêm việc điều trị vi khuẩn HP ở mỗi nước sẽ có những khuyến cáo khác nhau, tuy nhiên ở Việt Nam nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.

Khi nghiên cứu sâu về vi khuẩn HP, các nhà khoa học nhận thấy HP trong một số trường hợp không hẳn có hại hoàn toàn. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP sẽ giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi đem lại một số tác dụng đối với cơ thể con người.

Ví dụ: người nhiễm HP ít bị các nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường ruột do HP tiết ra các chất ngăn chặn các vi khuẩn khác phát triển, ngoài ra các triệu chứng trào ngược hay những bệnh lý về dị ứng như dị ứng phấn hoa, bụi phấn,… cũng giảm đi.

Vì vậy việc điều trị HP nên để bác sĩ chuyên ngành khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có cũng như những hoang mang lo lắng khi test  dương tính mà chưa được điều trị.

Viết bình luận của bạn