Nhiều nguy cơ bệnh tật do nâng ngực bằng túi silicon
SKV 247
Th 5 22/11/2018
Phụ nữ đặt túi silicon nâng ngực có nguy cơ cao bị viêm khớp dạng thấp, thai lưu hoặc ung thư da.
Loại túi nâng ngực phổ biến nhất được FDA phê duyệt là túi silicon và túi nước muối.
Túi silicon sử dụng lớp vỏ chứa đầy một loại gel nhựa, trong khi túi nước muối sử dụng vỏ silicon chứa đầy dung dịch nước muối vô trùng.
Để tái tạo ngực, cả hai loại đều được phép dùng cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Để nâng ngực, có nghĩa là để tăng kích thước hoặc thay đổi hình dạng của ngực, túi nước muối được phê duyệt cho phụ nữ từ 18 tuổi trở lên và túi silicon được chấp thuận cho phụ nữ từ 22 tuổi trở lên.
Nhiều phụ nữ nói rằng túi silicone cho cảm giác giống ngực thật hơn so với túi nước muối, nhưng nếu bị vỡ, túi silicone sẽ có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề hơn.
Vào đầu những năm 1990, FDA đã cấm sử dụng túi silicon sau khi có nhiều mối lo ngại về sức khỏe được đặt ra về sự liên quan của chúng với nguy cơ ung thư, bệnh mô liên kết và bệnh tự miễn.
Chưa có nghiên cứu nào xác định mối liên quan chắc chắn giữa túi nâng ngực silicon và những tình trạng bệnh này.
Sau khi các túi nâng nặng silicon từ hai nhà sản xuất được phê duyệt vào năm 2006, FDA tiến hành nhiều nghiên cứu hậu kiểm, nhưng chưa có nghiên cứu nào phân tích cơ sở dữ liệu.
Đánh giá quy mô từ 100.000 bệnh nhân
Trong nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Annals of Surgery, nhóm nghiên cứu đã xem xét gần 100.000 bệnh nhân tham gia các nghiên cứu hậu kiểm lớn trong thời gian từ năm 2007 đến 2010.
Khoảng 80.000 đã đặt túi silicon, số còn lại được đặt túi nước muối.
Ngoài ra, 72% phụ nữ được nâng ngực, 15% được nâng ngực sửa đổi, 10% tạo hình ngực, và 3% tạo hình ngực sửa đổi.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng những phụ nữ đặt túi silicon có nguy cơ cao hơn trong một số hậu quả bất lợi hiếm gặp.
Những hậu quả này bao gồm viêm khớp dạng thấp; Hội chứng Sjogren, một rối loạn miễn dịch đặc trưng bởi khô mắt và khô miệng; và xơ cứng bì - tình trạng xơ cứng mạn tính của da và mô liên kết.
Tất cả những tình trạng bệnh này đều có nguy cơ cao hơn từ 6 đến 8 lần ở những phụ nữ đặt túi silicon so với người bình thường.
Phụ nữ đặt túi silicon cũng có nguy cơ thai lưu cao gấp 4,5 lần, nhưng không tăng nguy cơ sảy thai. Họ cũng có nguy cơ phát triển u hắc tố ác tính cao gấp 4 lần.
Đặt túi silicon cũng liên quan với nguy cơ biến chứng phẫu thuật cao hơn so với đặt túi nước muối.
Khoảng 5% phụ nữ bị sẹo xung quanh chỗ đặt, được gọi là co kéo vỏ bao, so với 2,8% ở phụ nữ đặt túi nước muối.
Các tác giả lưu ý rằng mặc dù một số nguy cơ hay gặp hơn ở phụ nữ đặt túi silicon, song “tỷ lệ tuyệt đối của những hậu quả bất lợi này là thấp”.
Tuy nhiên BS. Stuart Linder, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ từ Beverly Hills, California, lại tỏ ra hoài nghi.
“Tôi sử dụng túi nâng silicon và tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm, và tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì đã ám chỉ điều này”, ông nói.
“Trừ khi FDA tuyên bố nguy cơ cao hơn, còn thì các sản phẩm được coi là an toàn và có thể sử dụng trong phẫu thuật”.
Cẩm Tú
Theo DM