HIỆN TƯỢNG RỤNG TÓC SAU KHI SINH VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

SKV 247
Th 4 31/10/2018

Rụng tóc sau khi sinh do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do rối loạn nội tiết tố. Sau khi sinh, lượng estrogen giảm xuống quá thấp, khiến tóc phát triển chậm và bị rụng nhiều. Thứ hai, do rối loạn tâm lý. Sau sinh bà mẹ thường bị stress, trầm cảm, khiến cho quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể bị rối loạn, máu lưu thông kém, tóc không được cung cấp đủ dưỡng chất, yếu dần và rụng. Thứ ba, do thiếu hụt chất dinh dưỡng. Trong thời kỳ mang thai, dưỡng chất được dành để cung cấp cho thai nhi. Sau khi sinh con, lại tiếp tục tập trung dưỡng chất cho bầu sữa nên dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, khiến tóc không nhận được đầy đủ dưỡng chất từ máu nên tóc dễ hư tổn và nhanh rụng...


I. Hiện tượng rụng tóc sau sinh là gì?

Trong vài tuần sau khi sinh, các bà mẹ (cho con bú và không cho con bú) đều bị rụng tóc và điều này hoàn toàn bình thường. Lượng tóc rụng đi ở mỗi người là khác nhau. Thường tóc rụng nhiều vào những ngày đầu sau khi sinh và giảm dần sau 1 tháng.

Tuy nhiên, hiện tượng rụng tóc có thể kéo dài hơn nếu các bà mẹ không quan tâm tới việc chăm sóc tóc, lượng tóc mất đi có thể tới 20 - 30%.
Tóc rụng nhiều nhất là tóc ở phẩn đỉnh đầu nhưng nói chung toàn bộ mái tóc của bạn rất yếu và nhờn trong thời gian sau sinh. Hiện tượng phổ biến là tóc mỏng đi, khó chải tóc và rất nhiều tóc bám vào lược khi bạn chải đầu mà tóc đang ướt.

II. Nguyên nhân gây rụng tóc

 

Mức độ rụng tóc ở phụ nữ sau sinh phụ thuộc vào lượng hormone nữ trong cơ thể tăng hay giảm. Nếu hormone nữ tăng, mức độ rụng tóc sẽ ít hơn; nếu hormone này giảm, tóc sẽ bị rụng nhiều hơn. Thông thường, trong suốt thời gian mang bầu, hormone  nữ ở thai phụ tăng lên, và tóc cũng ít bị rụng. Tuy nhiên, sau khi sinh con, hormone này trở về trạng thái bình thường những sợi tóc có tuổi thọ làn lượt rụng đi. Tình trạng rụng tóc này y học gọi là rụng tóc do thay đổi nội tiết.

Ngoài ra, hiện tượng rụng tóc sau sinh ở thai phụ còn do nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, sau sinh, tinh thần của một số thai phụ bất ổn, biểu hiện như lo lắng, mất ngủ kéo dài, hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm,… cũng gây rụng tóc. Mặt khác, ăn uống không đảm bảo dưỡng chất trong thời gian mang thai, cơ thể thiếu canxi, protein, kali, vitamin B… đều ảnh hưởng tới sự phát triển và sinh trưởng của tóc, làm cho tóc khô, vàng, và gãy.

Rụng tóc xảy ra sau sinh được gọi là "telogen effluvium" (hoặc TE - rụng tóc sau sinh, sau khi bị nhiễm trùng, sau phẫu thuật hoặc bị căng thẳng nghiêm trọng). Theo hiệp hội rụng tóc Mỹ, TE bắt đầu từ tuần thứ 3 tới tháng thứ sáu kể từ khi em bé được sinh ra. Một số người mẹ thấy mình bị mất cả nắm tóc tại một thời điểm trong giai đoạn này.

- Quan điểm hiện đại: Y học hiện đại cho rằng, hiện tượng rụng tóc sau sinh đẻ, có liên quan đến một số nhân tố sau:

1. Rối loạn nội tiết tố (hormone), đặc biệt là sự thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ (estrogen) - một chất có tác dụng kích thích sinh trưởng tóc. Trong thời gian mang thai, lượng estrogen được tuyến nội tiết tiết ra tương đối nhiều. Sau khi sinh đẻ, lượng estrogen ở một số phụ nữ hạ xuống quá thấp, khiến tóc phát triển chậm và bị rụng nhiều.

2. Nhân tố tâm lý: Một số nguyên nhân có thể tạo ra những áp lực về mặt tinh thần. Chấn thương tinh thần lại ảnh hưởng xấu tới hoạt động sinh lý, khiến cho quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể bị rối loạn,  máu lưu thông kém, tóc không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nên dễ bị rụng.

3. Rối loạn dinh dưỡng: Phụ nữ sau khi sinh đẻ cơ thể đã bị thương tổn, lại phải tạo sữa cho con bú, nên nhu cầu về dinh dưỡng của cơ thể lớn hớn hơn bình thường. Nếu không chú ý bổ sung dinh dưỡng, hoặc bị mắc một số bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn, cũng có thể khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng xâu tới sự phát triển của tóc.

Để chữa trị, y học hiện đại chủ yếu sử dụng các biện pháp bổ sung, cân bằng dinh dưỡng và điều dưỡng về mặt tinh thần; Nói chung không chủ trương bổ sung nội tiết tố (hormone), vì chất nội tiết có thể tiết ra cùng với sữa, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ sơ sinh.

- Quan điểm của Đông y: Hiện tượng rụng tóc quá nhiều sau khi đẻ, thường do 2 nguyên nhân chủ yếu gây nên. Thứ nhất, trong quá trình sinh đẻ, cơ thể người mẹ bị thương tổn, mất rất nhiều sức và nhiều máu.

Sau khi sinh đẻ, nếu không biết cách kiêng cữ và điều dưỡng, có thể khiến khí huyết càng hư tổn nặng, không đủ sức nuôi dưỡng cơ thể cũng như lông tóc, khiến tóc bị rụng. Thứ hai,  một số nhân tố tâm lý có thể khiến tâm trạng sản phụ không thoải mái, hoặc công việc bận rộn, mệt nhọc quá mức, dẫn tới tình trạng mà Đông y gọi là "Can khí uất kết".

Tạng Can trong Đông y có chức năng "sơ tiết", "điều sướng khí cơ", liên quan mật thiết tới hoạt động tình chí và toàn bộ quá trình trao đổi chất, cũng như quá trình chuyển hóa và bài tiết dịch thể trong cơ thể. "Can khí uất kết", mất chức năng sơ tiết, sẽ khiến khí huyết mất điều hòa, hoạt động tạng phủ bị rối loạn, cơ thể bị suy yếu và tóc bị rụng.



III. Phương pháp điều trị hiệu quả

Hiện tượng rụng tóc này có thể kéo dài tới 8 tháng và phải mất rất nhiều thời gian để tóc mọc trở lại. Do đó, các bà mẹ nên quan tâm chăm sóc tóc ngay từ khi chưa quá muộn.

Để chăm sóc tóc, các bà mẹ nên mua cho mình một loại nước dưỡng đặc biệt, nó cho phép chăm sóc tới tận chân tóc. Mát xa tóc với loại nước dưỡng này hàng ngày để cho nước dưỡng ngấm sau vào da đầu và chân tóc. Nó có tác dụng giúp tóc tăng độ đàn hồi, mượt mà và khỏe hơn. Ngoài ra, tóc cũng rất cần được cung cấp các loại vitamin để tăng cường chất keratin giúp tóc chắc khỏe và chắc chắn rau xanh và hoa quả luôn cần được ưu tiên hàng đầu.
Các loại mặt nạ cho tóc nhằm tăng cường vitamin B5, B6 và B8 sẽ giúp tóc chắc khỏe và nhanh mọc trở lại (mặt nạ dưỡng tóc với dầu ô liu...).
Những biện pháp trên có thể được thực hiện trong 3 tháng. Sau thời gian này các bà mẹ sẽ thấy tóc được cải thiện rõ rệt.

 

Cụ thể, mẹ sau sinh rụng tóc nhiều nên chú ý những điều sau:

- Chế phẩm bổ sung và vitamin


Chắc chắn bạn phải dùng chế phẩm bổ sung trước khi sinh nhiều hơn. Nếu bạn dự định ngừng dùng thì không nên làm việc đó vào lúc này. Bạn cần chúng nhiều hơn thậm chí cả sau khi sinh con. Bạn nên tiếp tục dùng các chế phẩm bổ sung mà bạn đang dùng khi mang thai. Việc này giúp cơ thể bạn có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và các vitamin thiết yếu cho sự phát triển của tóc và ngăn ngừa rụng tóc.

- Luôn bình tĩnh và thanh thản

Sau sinh con, bạn có thể bị ngập trong những thay đổi của cuộc sống chỉ trong chốc lát. Nhưng quá căng thẳng sẽ không tốt cho bạn và có thể gây ra các rối loạn.

Căng thẳng giữ vai trò tàn phá mái tóc và làn da của bạn. Hãy dành một chút thời gian trong lịch trình bận rộn của bạn để thực hiện các bài tập thiền và thở. Điều này giúp bạn giảm căng thẳng sau sinh và giảm rõ rệt chứng rụng tóc.

- Tránh dùng quá nhiều dầu gội

Một điều bạn nên tránh đó là gội đầu quá nhiều và chải tóc thường xuyên. Do nồng độ hóc-môn tăng khiến tóc giòn, mềm và dễ gãy nếu chải hoặc chà xát mạnh và thường xuyên.

Hãy dùng dầu gội không hóa chất hoặc dầu gội dành cho trẻ em để gội đầu. Dầu gội dành cho trẻ em thường rất mềm và không có hóa chất.

- Uống đủ nước

Hàng ngày bạn nên uống đủ nước. Thiếu nước làm tăng rụng tóc. Ngoài việc uống đủ nước, bạn có thể bôi nhiều dầu để giữ cho da đầu luôn mềm và mượt, giảm khô và ngứa.

- Chế độ ăn giàu protein

Trứng già giàu Protein

Vì tóc chủ yếu là protein, nên điều quan trọng là bạn phải có chế độ ăn giàu protein để có mái tóc chắc khỏe.

Một số nguồn protein tuyệt vời là trứng, đậu đỗ, đậu lăng, thịt gà, cải bruxen, pho-mát không kem,… Những nguồn protein này nên được dùng trong mỗi bữa ăn hàng ngày, nhất là bữa sáng.

- Tư vấn bác sĩ

Nếu tóc rụng quá nhiều hoặc tóc rối thành từng đám và búi, bạn nên đi khám bệnh để được tư vấn kỹ hơn.

Những thời điểm mất cân bằng hóc-môn hoặc nhiễm trùng bên trong cùng khiến tóc rụng nhiều và không khỏe. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số cách điều trị và thuốc để hồi phục lại mái tóc cho bạn.

Viết bình luận của bạn