Thuốc hết hạn có uống được không?
SKV 247
Th 4 27/03/2019
Từ năm 1979, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu các công ty dược phẩm ghi ngày hết hạn vào các loại thuốc kê toa và thuốc không kê đơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa thuốc của bạn sẽ bị hỏng theo cách tương tự như một hộp sữa đã hết hạn. Ngày bạn thấy được in trên chai thuốc là ngày mà nhà sản xuất thuốc đảm bảo an toàn và hiệu lực của thuốc. Tuy nhiên, thuốc thực sự an toàn và hiệu quả trong bao lâu vẫn đang là vấn đề gây tranh luận.
Bên cạnh một số loại thuốc hạn sử dụng ngắn như insulin, kháng sinh dạng lỏng, nhiều loại thuốc có thể hạn sử dụng lâu hơn nhiều so với ngày in trên bao bì của chúng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều đó. Các trung tâm kiểm soát chất độc thỉnh thoảng nhận được cuộc gọi nhờ tư vấn từ những người vô tình uống thuốc hết hạn.
Theo Lee Cantrell, giám đốc Phân khu San Diego của Hệ thống Kiểm soát Ngộ độc California, chưa thấy tài liệu nào nói về thuốc hết hạn gây ra bất kỳ vấn đề nào ở người.
"Hiệu quả của thuốc có thể suy giảm theo thời gian, nhưng có rất ít nghiên cứu về vấn đề này", ông nói.
Một số loại thuốc hết hạn vẫn có thể sử dụng mà không nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Live Science |
Vài năm trước, Cantrell đã có một cơ hội hiếm có để kiểm tra một số loại thuốc cũ bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau và thuốc giảm cân được tìm thấy ở phía sau của một hiệu thuốc. "Chúng tôi thấy rằng những loại thuốc đó, một số trong số chúng hết hạn ít nhất 40 năm, vẫn giữ được tác dụng đầy đủ", Cantrell nói.
Nghiên cứu đó đã được công bố trên JAMA Internal Medicine vào năm 2012. Năm 2017 Cantrell công bố một nghiên cứu khác cho thấy EpiPens, thuốc tiêm tự động đắt tiền được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng, vẫn còn 84% hiệu lực sau hơn bốn năm kể từ ngày hết hạn. Do đó, trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng EpiPen đã hết hạn như một phương án tạm thời. Mỹ còn có một kho dự trữ các loại thuốc có thể cần thiết trong trường hợp khẩn cấp như tấn công khủng bố hoặc bùng phát dịch bệnh.
Năm 1986, FDA và Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu Chương trình Gia hạn Thời hạn sử dụng (SLEP) để tiết kiệm chi phí thay thế thuốc đã hết hạn trong kho dự trữ này. Một nghiên cứu của SLEP năm 2006 đã thử nghiệm 122 loại thuốc khác nhau được bảo quản trong điều kiện lý tưởng. Kết quả là ngày hết hạn của phần lớn các loại thuốc trong kho dự trữ đều có thể kéo dài thêm trung bình khoảng 4 năm. Năm 2016, chương trình này đã giúp tiết kiệm 2,1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, FDA vẫn cảnh báo người tiêu dùng không nên dùng thuốc hết hạn vì một số loại thuốc hết hạn có nguy cơ phát triển vi khuẩn dẫn đến các bệnh nghiêm trọng hơn và kháng kháng sinh.
Theo Live Science