Thời điểm nào trong ngày cần cảnh giác nguy cơ đột quỵ cao nhất?
Quản Trị Viên
Th 2 17/08/2020
Bên cạnh yếu tố xác định yếu tố loại đột quỵ, việc cấp cứu đột quỵ kịp thời gian vàng càng sớm thì kết quả xử lý càng tốt. Do vậy, với những người có nguy cơ đột quỵ cao, nắm bắt thời điểm nào nguy cơ đột quỵ cao hơn hẳn rất quan trọng.
Có nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của cơn tai biến như: tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, thói quen và một số bệnh (tăng huyết áp, béo phì, tim mạch,…). Trong đó, chi phối của nhịp sinh học tác động không nhỏ tới sự tiến triển của bệnh, hình thành những thời điểm dễ xảy ra tai biến mạch máu não.
Người bị cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao, tiền sử gia đình có người thân đột quỵ, người có bệnh lý tim mạch, người hay hút thuốc lá là 6 nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao nhất. (ảnh minh hoạ)
Những người có nguy cơ đột quỵ cao nhất là những người có nguy cơ tim mạch lớn: những người dễ bị đột quỵ, dễ bị tai biến mạch não: huyết áp cao, tăng cholesterol, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, van tim, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường… 80% các trường hợp đột quỵ do cục máu đông, 20% là xuất huyết não. Nhồi máu não là mạch não bị tắc nghẽn thì có thể do cục máu đông hình thành cản mạch máu. Cục máu đông hình thành nơi khác di chuyển đến làm tắc nghẽn. Đây là huyết khối tắc mạch, trường hợp thứ hai gọi là thuyên tắc mạch.
80% các trường hợp đột quỵ do cục máu đông gây thiếu máu cục bộ, 20% là xuất huyết (nhồi máu não). (ảnh minh hoạ)
Bệnh đột quỵ não có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, lúc đang ngủ, đang làm việc hoặc đang chơi... nhưng tại một số thời điểm bệnh có tỷ lệ xảy ra cao hơn, ví dụ như khi bạn bị stress, bức xúc, dùng chất kích thích... bởi trong những thời điểm này, huyết áp tăng cao.
Bên cạnh đó cũng có một số "khung giờ nguy hiểm" bởi theo các chuyên gia sức khỏe thì đây là những thời điểm dễ bị đột quỵ nhất.
Yếu tố trực tiếp hình thành các cơn đột quỵ não là do nhịp sinh học của cơ thể. Nói cách khác, sự biến thiên của huyết áp và độ đặc của máu trong 24 giờ có tác động đến sự hình thành cơn đột quỵ. Do vậy, nếu xét trong thời gian 24 giờ của ngày thì có một số thời điểm huyết áp tăng cao và xuống thấp, cụ thể:
- 3 giờ sáng là thời điểm huyết áp xuống thấp,
- 5 giờ sáng và 18-19 giờ lại là những khoảng thời gian huyết áp dễ tăng cao. Huyết áp tăng khiến thành mạch máu bị tổn thương, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu và dẫn tới đột quỵ.
- Khoảng thời gian sáng sớm (4-8 giờ) cũng là thời điểm các cơn đột quỵ dễ xảy ra do đây là khoảng thời gian máu đặc nhất, sau đó loãng ra, đến 12 giờ đêm là loãng nhất rồi dần đặc lại.
Qua thực tế, nhiều người bệnh tai biến mạch máu não nhập viện vào các thời điểm này.
Khi tai biến xảy ra, người bệnh thường có một số triệu chứng điển hình như: đột ngột đau đầu, chóng mặt, ù tai, nói ngọng, liệt một bên tay, chân… và nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ bị đe dọa trực tiếp tính mạng.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống