Đi "săn" băng tuyết cần lưu ý gì để không đổ bệnh vì mưa rét?

SKV 247
Th 2 31/12/2018

Không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống đã khiến nền nhiệt độ tại Sa Pa (Lào Cai) giảm sâu, một số nơi sẽ xuất hiện mưa tuyết, băng giá. Trên đỉnh Fansipan nhiệt độ xuống âm độ, mưa nặng hạt, gió lớn nhưng không ngăn được bước chân của những người đam mê khám phá, "săn" băng tuyết.

Tại Fansipan, người lớn tuổi, có tiền sử tim mạch không được khuyến cáo lên đỉnh, thậm chí yêu cầu một số đối tượng nhất định muốn lên đỉnh cần có bác sĩ đi cùng. Bởi thời tiết lạnh, gió to, không khí loãng, chỉ đi vài bậc cầu thang là nhịp tim lên, hơi thở gấp, có thể gây choáng váng. Vì thế, các chiếu nghỉ được xây dựng rất gần. Người leo cầu thang bộ cũng được hướng dẫn đi chậm, thở sâu và nghỉ thời gian nhất định tại mỗi chiếu nghỉ.

Băng tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn.

Tại Mẫu Sơn, băng tuyết đã xuất hiện, nhiều người chia sẻ khoảnh khắc với những hình ảnh đẹp của băng tuyết.

PGS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, du lịch khám phá, "săn" băng tuyết rất hấp dẫn với nhiều người. Tuy nhiên ông cũng đưa ra khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe khi đi vào vùng lạnh, mưa cũng như di chuyển trong những ngày Hà Nội lạnh giá.

Không để ngấm mưa lạnh

Đây là việc quan trọng nhất để đảm bảo không đổ bệnh khi đi săn băng tuyết. Theo đó, PGS Dũng khuyến cáo mọi người hãy mặc nhiều lớp áo ấm (nên là nhiều lớp mỏng sẽ giữ nhiệt tốt hơn là một hai áo dày). Việc mặc nhiều lớp quần áo cũng là cách tốt nhất để điều chỉnh nóng - lạnh tùy thuộc vào vận động. Chú ý lớp áo ngoài là áo phao chống thấm. Nếu trời mua, một chiếc áo mưa chắc chắn (bộ áo áo, quần) sẽ giúp bạn ngăn ngấm nước và giữ nhiệt tốt hơn là một chiếc áo mưa gió mỏng manh. Vì thế, hãy chủ động chuyển bị nếu có kế hoạch đi săn băng tuyết.

Việc quan trọng thứ hai là giữ ấm vùng đầu, cổ bằng khăn, mũ ấm. Đặc biệt hãy lưu ý đôi chân của bạn. Những đôi giày đi mưa, chống nước luôn được khuyến khích, bởi nếu đi giày thường, mưa ngấm qua giày, ướt tất, ướt chân bạn sẽ vô cùng dễ nhiễm lạnh.

Nhớ uống đủ nước

Bạn đừng bao giờ quên mang theo một chai nước bên mình, tuyệt vời nhất là một bình nước ấm giữ nhiệt. Vào mùa đông, bạn sẽ ít có cảm giác khát nước trong khi thực tế cơ thể vẫn cần cấp nước. Hãy nhớ chủ động uống ngụm nhỏ một trong quá trình đi lại, leo núi.

"Nạp" nhiều năng lượng hơn bình thường

Nếu để ý, bạn sẽ thấy khi ăn, cơ thể sẽ ấm hơn. Vì thế, hãy ăn uống đủ chất, mang theo lương khô để "nạp" co cơ thể khi có dấu hiệu đói.

Với trẻ em, PGS Dũng khuyến cáo trong thời tiết gió lạnh chỉ nên chơi trong nhà kín gió. Trong trường hợp cần di chuyển cùng bố mẹ, đi oto (tắc xi, xe bus, xe khách) là lựa chọn được khuyên hơn là đi xe máy. Bởi trời lạnh, di chuyển bằng xe máy trẻ rất dễ cảm lạnh.

Nếu đi xe máy, hãy đảm bảo trẻ mặc đủ ấm nhiều lớp quần áo, có mũ, kính, khẩu trang, chỉ nên đi với tốc độ vừa phải và luôn phải lưu ý xem bé có bị ủ quá kỹ phần đầu mặt khiến khó thở không.

Theo dantri