5 người gặp biến chứng do tiêm silicon mua ngoài chợ
Quản Trị Viên
Th 3 26/01/2021
Phần lưng chi chít mụn mủ của người cùng tiêm silicon với bệnh nhân ở Trà Vinh.
Ngày 25/1, bác sĩ Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), cho biết nữ bệnh nhân 20 tuổi nhập viện trong tình trạng lở loét da, thâm đen vùng trán.
Trước đó, cô gái này cùng 4 người hàng xóm ở Trà Vinh đã tiêm silicone lỏng vào cơ thể. Loại silicone này được mua ngoài chợ, mỗi người chi khoảng 200.000 đồng.
Bệnh nhân cùng hàng xóm được người bán giới thiệu đây là sản phẩm "mỡ nhân tạo nhập từ Thái Lan" có tác dụng làm đẹp, chỉ cần dùng kim tiêm bơm vào da mà không phải gây tê. Để tiết kiệm chi phí, 5 người chỉ cho nhau bộ phận chưa đẹp và dùng chung kim tiêm để bơm silicon vào vùng đó.
Nữ bệnh nhân tiêm dung dịch này vào trán. Một thời gian ngắn sau khi tiêm, vùng trán của người này thâm đen, da thịt hoại tử, lở loét. Bác sĩ Đông cho biết bệnh nhân bị mất khối cơ trán, phải trải qua nhiều cuộc mổ để nạo vét silicone, cắt lọc phần da hoại tử, phẫu thuật ghép da nhưng không thể hồi phục.
Trường hợp khác cùng tiêm với bệnh nhân được cấp cứu tại một bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM. Nam thanh niên 20 tuổi nhập viện trong tình trạng biến dạng gương mặt, môi, má cứng đơ, ngực, lưng mọc mụn bọc dày đặc.
Một người khác tiêm silicone vào mông khiến vùng này bị hoại tử nặng. Các bác sĩ đã phẫu thuật 5-6 lần để nạo vét silicon cho bệnh nhân nhưng không thể lấy sạch. Chất lỏng này len lỏi vào trong khối cơ mông và tạo thành các ổ áp-xe gây nhiễm trùng, hoại tử.
Bác sĩ Đông cho biết hầu như tháng nào Bệnh viện Trưng Vương cũng tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng mặt, mông, ngực do tiêm silicon lỏng. Trong khi đó, chất này đã bị cấm tại Việt Nam từ 30 năm nay.
Silicon là một chất cao phân tử có nhiều ứng dụng trong đời sống hiện nay. Trong đó, silicon lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo. Trước đây, chất lỏng này thường được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và cũng dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Từ năm 1965, người ta đã bắt đầu đã nhận ra những biến chứng nguy hiểm của việc bơm silicon lỏng vào cơ thể người, đặc trưng là sự xuất hiện của các u hạt. Năm 1991, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quy định cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Theo Zing News