Bón cơm cho trẻ: Hậu quả khôn lường!
SKV 247
Th 5 27/09/2018
Rõ ràng con đã có thể tự cầm thìa, cầm đũa để ăn cơm rồi nhưng vẫn có không ít cha mẹ nhất quyết phải tận tay bón từng thìa, từng thìa cháo, thìa cơm cho con mới yên tâm. Thậm chí nhiều phụ huynh còn bưng bát cơm chạy theo con, hơn nữa cảnh tượng này không phải trường hợp hiếm khi xảy ra.
Khi được hỏi tại sao lại “kiên trì” bón cơm cho con như thế, nhiều người mẹ đều có chung câu trả lời rằng: Nếu không bón, con sẽ không ngoan ngoãn ăn cơm, đang trong tuổi ăn tuổi lớn mà bé ăn ít thì không thể được, hơn nữa vừa bón vừa nhìn con nhai từng thìa cơm lớn, các mẹ cảm thấy trong lòng rất vui.
Nhiều phụ huynh cứ nhất định phải chạy theo bón cơm cho con dù bé đã có thể tự cầm thìa ăn (Ảnh minh họa).
Những tưởng rằng bón cơm cho con sẽ giúp con khỏe mạnh, mau lớn nhưng theo phân tích của các chuyên gia, việc bón cơm cho con có thể gây ra nhiều nguy hại đến sức khỏe của trẻ mà phần lớn các bậc cha mẹ đều chưa biết.
1. Gây viêm dạ dày
Trên thực tế, dạ dày của trẻ có sức chứa rất nhỏ, khi bé đã cảm thấy no rồi tất nhiên sẽ không thể hấp thụ thêm thức ăn được nữa. Nếu như lúc này, bố mẹ vẫn kiên quyết chạy theo, cố đút từng miếng cơm cho con, như vậy sẽ khiến dạ dày của bé phải chứa một khối lượng rất nặng. Cứ thế trong thời gian dài, niêm mạc dạ dày của trẻ sẽ bị tổn thương, có thể gây nên căn bệnh viêm loét dạ dày.
2. Cơ thể không rèn luyện được vận động tinh
Ăn uống được coi là một hoạt động đơn giản nhưng với trẻ ở độ tuổi nhỏ, đó là sự tập hợp của một chuỗi những động tác rất quan trọng. Việc dùng thìa xúc, tập gắp thức ăn bằng đũa, rồi đưa vào miệng…đều được gọi là vận động tinh vì nó cần đến sự phối hợp giữa tay và mắt mới có thể hoàn thành. Do đó, nếu trẻ quen với việc được bố mẹ bón cơm thì cơ thể không được rèn luyện vận động tinh, tính nhịp nhàng giữa các chi cũng kém.
Hành động này của bố mẹ có thể khiến trẻ thấy chán ăn và bắt đầu chống đối việc ăn uống (Ảnh minh họa).
3. Chán ăn
Trẻ dù nhỏ thế nào cũng tự phân biệt được no và đói, đến cả trẻ sơ sinh cũng biết dùng tiếng khóc để thông báo rằng mình cần được ăn, không để bản thân mình phải chịu đói bụng. Nếu bố mẹ không quan tâm đến cảm nhận của con mà chỉ lo ép con ăn, như vậy sẽ khiến bé dần bị chán ăn, chỉ cần nhìn thấy ông bà, bố mẹ bưng bát cơm đến là bắt đầu chạy và dùng mọi cách để chống lại.
4. Có nguy cơ bị mắc nghẹn
Con chạy đằng trước, bố mẹ bưng bát cơm chạy đuổi theo, khó lắm mới “túm” được con, phải tranh thủ bón một thìa thật lớn. Con chưa nhai nuốt hết thìa cơm đã lại chạy mất, vụn thức ăn cũng có khả năng rơi xuống khí quản khi bé đang di chuyển, khiến trẻ dễ bị mắc nghẹn, nếu nghiêm trọng có thể còn dẫn đến ngạt thở, tử vong.
Trẻ vừa chạy vừa ăn khiến vụn thức ăn dễ bị rơi vào khí quản (Ảnh minh họa).
Với những hậu quả nghiêm trọng như trên, vì sức khỏe của con, hy vọng các cha mẹ sẽ dừng việc chạy theo bón cơm cho bé. Trẻ khoảng 2 tuổi là có thể học cách tự dùng thìa đũa, tự mình ăn cơm, điều này không chỉ giúp trẻ rèn luyện khả năng phối hợp của các chi trên cơ thể mà còn bồi dưỡng tính độc lập khi làm việc, như vậy khiến bé yêu việc ăn cơm hơn.
Nguồn: happytifyye