Đừng hùng hục leo cầu thang giảm cân, hỏng khớp không hay
SKV 247
Th 2 22/10/2018
Mỗi ngày ‘súc miệng’ 60 tầng
Sau sinh con thứ 2, chị Kim Minh (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) tăng cân phi mã thêm gần 10 kg và sau cai sữa con hơn 1 năm, mức cân 62 kg vẫn giữ nguyên trong khi chiều cao chỉ vẹn vẹn 1,58 m khiến chị cảm thấy vô cùng tự ti, nhất là khi công việc thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng.
Chị Minh kể, suốt hơn 1 năm qua, chị đã dành nhiều tâm sức cho việc giảm cân, từ ăn lowcab đến tập gym nhưng cân nặng vẫn không nhúc nhích.
Ảnh minh họa |
1 tháng trở lại đây, nghe hàng xóm khoe giảm được 3 cm vòng bụng chỉ nhờ leo cầu thang 3 tuần, chị Minh cũng lên kế hoạch cho bản thân. Hàng sáng, chị đều đặn thức dậy từ 5h30 để leo 2 vòng cầu thang, từ 30 tầng rồi tăng dần lên 60 tầng.
Kết quả, cân nặng của chị giảm được 2,5kg, tuy nhiên 1 tuần nay, khi bước lên cầu thang chị thấy khớp gối có tiếng “lục khục”.
Không có thời gian tập buổi sáng, nhóm chị Nguyễn Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) lập nhóm 3 người cùng cơ quan, tranh thủ leo 40 tầng cầu thang trước giờ ăn cơm trưa thay vì tập gym như trước.
Chị Hà chia sẻ, cả nhóm mới thực hiện được 3 tuần, đã thấy mỡ bụng và mỡ đùi giảm thấy rõ, vòng 3 tăng lên song khi bước xuống cầu thang, thỉnh thoảng chân chị có cảm giác hơi nhức.
Là người tập luyện thể dục chăm chỉ, mới đây anh Nguyễn Bảo Nguyên (41 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận thấy những cơn đau khớp gối thoáng qua nên đến bệnh viện khám. Bản thân anh khá bất ngờ khi bác sĩ yêu cầu anh phải ngưng tập một thời gian và uống bổ sung sản phẩm giúp bôi trơn khớp do tập thể dục quá sức.
Kể với bác sĩ, anh Nguyên cho biết, hơn 1 năm qua, mỗi ngày thay vì đi thang máy, anh leo bộ 11 tầng chung cư đi làm. Ngoài ra đều đặn hàng tuần, anh chạy máy ở phòng gym 4 buổi, mỗi buổi 4 km, có ngày chạy 6-7 km. Bác sĩ cảnh báo, nếu tiếp tục tập luyện, khớp gối anh Nguyên sẽ bị tổn thương nặng hơn, cơn đau tăng dần
Leo cầu thang khiến khớp chịu áp lực lớn
Bên lề hội nghị khoa học chuyên ngành cơ xương khớp tại BV Bạch Mai, TS.BS Trần Thị Tô Châu, Phó trưởng khoa Cơ xương khớp cho biết, khớp gối là nơi nâng đỡ toàn bộ sức nặng của cơ thể nên rất dễ bị tổn thương, viêm sưng…
“Do đó các bài tập leo cầu thang chỉ phù hợp với người trẻ. Khi leo cầu thang, đặc biệt động tác xuống cầu thang sẽ khiến toàn bộ trọng lượng cơ thể đổ dồn xuống chân, tạo áp lực rất lớn cho khớp gối trong khi từ 38-40 tuổi, khớp gối đã bắt đầu thoái hoá, thậm chí một số người bị thoái hoá sớm hơn”, TS Châu phân tích.
TS Châu khuyên, khi tập luyện bất cứ môn thể thao nào cũng cần lắng nghe phản ứng của cơ thể, đặc biệt là khớp gối. Nếu hoạt động gây hại cho khớp, phản ứng đầu tiên là đau, mức độ tăng dần khi vận động nhiều, giảm khi nghỉ ngơi.
“Nếu bạn bị thoái hoá mà vẫn tiếp tục leo cầu thang, chạy bộ nhiều sẽ càng khiến khớp bị thoái hoá nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, ngoài đau, khớp còn có thể bị sưng, nóng, khi đó sẽ phải điều trị nhiều biện pháp tích cực nhưng vẫn không triệt để”, TS Châu cho hay.
TS Trần Thị Tô Châu
Khi lựa chọn bất cứ môn thể dục nào cũng cần khởi động đủ và tập luyện đúng phương pháp để không gây hại khớp gối.
Với những người 60 - 70 tuổi, chỉ nên đi bộ từ 30 - 45 phút/ngày là đủ và nên ưu tiên bơi lội để tránh khớp không bị quá tải.
Người trẻ có thể đi bộ trong khoảng thời gian dài hơn, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng chạy bộ. Đặc biệt khi leo cầu thang cũng cần khởi động kỹ khớp gối, chỉ nên đi lên bằng đường bộ, khi xuống nên đi bằng thang máy và không nên leo cầu thang quá nhiều. Khi khớp xuất hiện triệu chứng đau mỏi, cần dừng lại ngay.
TS Châu cũng khuyên khi thấy khớp gối bắt đầu xuất hiện những tiếng "lục khục", đau thoáng qua, người dân có thể dùng các sản phẩm bôi trơn khớp bổ sung, tuy nhiên phải uống liên tục, thường ít nhất 6-8 tuần mới thấy tác dụng. Những trường hợp cao huyết áp, tiểu đường cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Thúy Hạnh