Rối loạn tiền đình: bệnh của thời hiện đại

SKV 247
Th 4 07/11/2018

Bệnh từ những cơn chóng mặt, đau đầu: nhiều người chủ quan

Chị Phan Hồng H. 30 tuổi - nhân viên kế toán, công việc thường xuyên tiếp xúc với máy tính và con số, nên hay bị chóng mặt và buồn nôn. Đáng nói là gần đây, cơn chóng mặt hoa mắt khiến chị H. đầu óc quay cuồng có lần chị bị ngã vì triệu chứng bất chợt “không hẹn mà đến” này khi chị đang điều khiển xe. Cũng thật may khi đó chị đi đường vắng, và được người bên đường đỡ dìu chị vào nhà nghỉ ngơi.

Đau đầu, chóng mặt là triệu chứng điển hình của hội chứng rối loạn tiền đình

Ngay sau đó, chị đến bệnh viện khám. TS Nguyễn Văn Doanh - chuyên gia nội thần kinh bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc - Bác sĩ trực tiếp điều trị cho chị Phan Hồng H. cho biết: “Nguyên nhân khiến bệnh nhân H. thường xuyên bị chóng mặt đau đầu là do hội chứng rối loạn tiền đình. Được biết trước đó, khi có triệu chứng đau đầu chóng mặt, chị thường mua thuốc bổ não về uống, thấy triệu chứng cũng đỡ hơn nhưng sau thì lại tái phát. Đây là thói quen sử dụng thuốc của nhiều người khi chưa được chẩn đoán chính xác bệnh mà tự ý mua thuốc điều trị. Thuốc bổ não chỉ có tác dụng hỗ trợ trí nhớ tốt hơn, giảm căng thẳng tuy nhiên không có tác dụng điều trị triệt để bệnh rối loạn tiền đình. Thậm chí người bệnh nếu lạm dụng thuốc có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hại hơn.”

Chị Phan Hồng H. chia sẻ: “Tôi thật sự bất ngờ khi bác sĩ nói tôi bị rối loạn tiền đình, trước giờ vẫn nghĩ bệnh này chỉ có ở người già. Nếu không vì một lần cơn đau đầu, chóng mặt “hỏi thăm” bất chợt khiến tôi “chết hụt” thì tôi cũng bỏ qua không đi khám chữa.”

Không như chị Phan Hồng H, anh Tô Ngọc B, 39 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh. Được biết, trước khi nhập viện, cơ thể anh B đã có nhiều biểu hiện khác lạ, xuất hiện chóng mặt, đau đầu dữ dội, miệng nôn, chân tay run, nhưng anh chủ quan cho rằng mình bị ngộ độc thức ăn do trước đó anh vẫn khỏe bình thường, đi ăn uống với bạn bè trở về anh có dấu hiệu lạ nghĩ rằng bị cảm nắng và ngộ độc nên anh không đi khám ngay. Đến khi anh B ngất xỉu trong nhà vệ sinh thì cả nhà mới tá hỏa cho anh nhập viện. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết anh B mắc bệnh rối loạn tiền đình. Rất may, anh B được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cấp cứu kịp thời, điều trị tích cực ngăn chặn biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Rối loạn tiền đình tấn công: Giới trẻ đang “gặp nguy”

Nếu trước đây rối loạn tiền đình thường gặp ở người lớn tuổi, thì nay có xu hướng tấn công cả ở những người trẻ, đặc biệt là giới văn phòng.

Stress thường xuyên là nguyên nhân khiến dân văn phòng dễ bị rối loạn tiền đình tấn công

Trao đổi về nguy cơ giới trẻ bị bệnh rối loạn tiền đình tấn công, TS Nguyễn Văn Doanh, chuyên gia nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết: “Giới trẻ đặc biệt là dân văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động và thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính, phòng lạnh kín nên cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não…”

Điều đáng lo ngại là những triệu chứng của rối loạn tiền đình dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với dấu hiệu bệnh cảm cúm thông thường vì vậy dễ bỏ quan không điều trị sớm.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong điều trị các bệnh lý nội thần kinh, TS Nguyễn Văn Doanh cho biết: “Nhiều bệnh nhân khi nhập viện điều trị cho biết, trước khi bị rơi vào trạng thái chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn sức khỏe họ rất tốt. Nhưng chỉ trong chốc lát, họ đã gặp phải những triệu chứng gây đau đầu khó chịu, chóng mặt đến lao đao, nằm cả ngày vẫn cảm thấy mệt mỏi”.

TS. Nguyễn Văn Doanh cũng cho biết thêm: “Bệnh rối loạn tiền đình về cơ bản không quá nguy hiểm, những cơn đau đầu chỉ xuất hiện một lúc rồi sẽ qua. Nhưng nếu để tình trạng kéo dài, và diễn biến phức tạp có thể dẫn tới u não, hoặc tắc nghẽn mạch máu não gây đột quỵ nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.”

TS Nguyễn Văn Doanh trực tiếp thăm khám và điều trị rối loạn tiền đình cho nhiều bệnh nhân.

Đặc biệt là giới trẻ, thường bỏ qua những dấu hiệu của bệnh hoặc chủ quan không đi thăm khám thường xuyên khiến bệnh tiến triển lâu dài dễ gây biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế, để phòng ngừa rối loạn tiền đình, TS Nguyễn Văn Doanh khuyên: “Những đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao như người lao động trí óc, người từ tuổi trung niên trở nên,… nên có chế độ phòng ngừa rối loạn tiền đình bằng cách hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm, không nên ngồi phòng lạnh và trước máy vi tính quá lâu".

Ông khuyến cáo nhóm nguy cơ mắc bệnh nên duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, siêng tập thể dục, ăn uống hợp vệ sinh và đặc biệt cần bổ sung các chất chống gốc tự do cho cơ thể. Bởi lẽ, gốc tự do không chỉ là nguồn gốc của rối loạn tiền đình mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý não nguy hiểm như sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson, thiếu máu não, thậm chí làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo SKĐS

Viết bình luận của bạn