Vẫn có thể nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm vaccine
Quản Trị Viên
Th 2 11/01/2021
Các chuyên gia y tế cho biết mọi người vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 (loại virus gây ra COVID-19) dù đã được tiêm vaccine. Ngày 30-12-2020, một nam y tá người Mỹ bất ngờ nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-Cov-2 một tuần sau khi đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 18-12-2020, theo đài CNN ngày 8-1.
Những tin tức như thế này sẽ trở nên phổ biến hơn dù ngày càng nhiều người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hợp tác phát triển.
Tại sao lại có thể như vậy? Đây là cách thức và lý do:
1. Miễn dịch chưa được phát huy ngay sau khi tiêm
Vaccine ngừa COVID-19 vẫn cần có thời gian để xây dựng khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Cả Pfizer/BioNTech và Moderna đều yêu cầu mỗi người cần tiêm hai liều vaccine trong thời gian cách nhau vài tuần để cơ thể có đủ thời gian hình thành hệ thống miễn dịch.
“Điều này có nghĩa là một người có thể bị nhiễm COVID-19 ngay trước hoặc sau khi được tiêm chủng và vẫn có khả năng mắc bệnh” - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết.
Theo tính toán, Moderna cho rằng vaccine sẽ có hiệu quả 14 ngày sau khi được tiêm mũi vaccine thứ hai. Trong khi đó, Pfizer/BioNTech cho biết vaccine của mình bắt đầu phát huy hiệu quả từ bảy ngày sau khi được tiêm mũi thứ hai.
2. Vaccine chỉ bảo vệ một phần, không thể có hiệu quả tuyệt đối
Các chuyên gia y tế cho biết không có loại vaccine ngừa COVID-19 nào đạt được hiệu quả 100%. Các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang đánh giá và xem xét liệu các mũi tiêm có thể chống lại được tất cả các bệnh nhiễm trùng hay chỉ chống lại được những loại bệnh có triệu chứng.
Vào tháng 12-2020, công ty dược phẩm Mỹ Moderna đã gửi dữ liệu lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho thấy vaccine của họ có thể ngăn chặn được 2/3 số ca nhiễm COVID-19, bao gồm cả những ca nhiễm không triệu chứng.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, cả hai hãng vaccine trên đều cho thấy hiệu quả đạt được 95%. Điều này có nghĩa là vẫn còn tồn tại 5% khả năng lây nhiễm. Hiện tại, CDC khuyến cáo mọi người không nên tự cho rằng mình đã hoàn toàn miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 sau khi cơ thể nhận được liều vaccine.
3. Vaccine không đưa virus vào cơ thể
CDC nhận định, các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại không hề chứa virus SARS-CoV-2 sống, và không thể làm cho người tiêm bị nhiễm COVID-19.
Thay vào đó, vaccine chứa một đoạn nhỏ vật liệu di truyền của tế bào như RNA hoặc mRNA. Nó khiến cho các tế bào trong cơ thể tạo ra một mảnh vật chất nhỏ trông tựa như một phần của loại virus SARS-CoV-2.
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ xem những mảnh vật chất này là “kẻ xâm lược từ bên ngoài’, và sẽ bắt đầu tạo ra các kháng thể và tế bào miễn dịch nhằm nhận ra và vô hiệu hóa virus nếu người được tiêm vaccine tiếp xúc với dịch bệnh.
4. Khả năng miễn dịch có thể sẽ bị suy giảm theo thời gian
Hiện tại, vẫn chưa ai biết được vaccine ngừa COVID-19 có thể bảo vệ người tiêm khỏi dịch bệnh trong bao lâu.
COVID-19 đã được phát hiện khoảng một năm về trước, nhưng các cuộc thử nghiệm vaccine ở giai đoạn cuối chỉ mới kết thúc vào vài tuần trước.
Sự bảo vệ do vaccine mang lại có thể sẽ bị suy giảm dần theo thời gian. Một số hãng dược yêu cầu mỗi người nên tiêm lại vaccine trong vài năm sau.
Các chuyên gia y tế cho rằng cũng có khả năng biến thể COVID-19 mới có thể làm cho vaccine trở nên kém hiệu quả hơn.
5. Những người khác vẫn có thể bị nhiễm từ người đã tiêm vaccine
Bác sĩ Anthony Fauci đã kêu gọi mọi người vẫn nên tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội dù đã được tiêm phòng vaccine.
Các quan chức y tế giải thích vì ngay cả những người đã tự tạo ra kháng thể miễn dịch với virus vẫn có khả năng tiếp xúc với mầm bệnh và truyền nó cho người khác.
“Họ [những người đã được tiêm phòng vaccine] có thể không biểu hiện các triệu chứng nhưng có thể vẫn còn virus trong đường mũi của họ. Nếu họ nói, thở hay hắt hơi, họ vẫn có thể truyền bệnh cho người khác” – Tiến sĩ Leana Wen, Phó Giáo sư y học khẩn cấp tại ĐH George Washington, cảnh báo.
Theo Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh