Thủ phạm gây tử vong hàng đầu ở VN: Cứ 10 người chết thì 8 người chết vì nguyên nhân này
SKV 247
Th 4 17/10/2018
Gần 1 nửa số ca tử vong là trẻ
Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm.
Theo ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm tới 77% số ca tử vong. Trong đó, có 44% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là trước tuổi 70. Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm rất lớn chiếm tới 70% gánh nặng bệnh tật.
Những bệnh đang "đè" nặng lên người Việt đứng đầu là bệnh tim mạch chiếm 31%, bệnh ung thư chiếm 19%, bệnh hô hấp mãn tính chiếm 6%, bệnh đái tháo đường chiếm 4%. Ngoài ra, còn do tai nạn thương tích, bệnh dinh dưỡng bà mẹ trẻ em….
Theo nghiên cứu các hành vi nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm như hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực còn rất cao.
Trong điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ không lây nhiễm và điều tra thuốc lá năm 2015 cho thấy hành vi nguy cơ gây bệnh đứng đầu là uống rượu bia.
Kết quả nghiên cứu cụ thể như sau: 77,3% nhóm người điều tra uống rượu bia; 63,1% nam giới, 51,4% nữ giới ăn ít rau xanh, trái cây hơn khuyến nghị 400 gram ngày. Một yếu tố đặc biệt quan trọng đó là thói quen ăn mặn. Người Việt ăn tới 9,4 mg muối/ngày vượt quá lượng muối khuyến nghị một ngày chỉ 5mg.
Bệnh không lây đang tăng ở người trẻ, ảnh minh họa.
Không chỉ do các hành vi lối sống mang đến bệnh không lây nhiễm mà thực trạng các yếu tố thừa cân béo phì chiếm hơn 15%, tăng huyết áp chiếm 23% (những người từ 18 – 69 tuổi)… tăng đường huyết, tăng cholesterol cũng tăng 25% ở nam giới, 35% ở nữ giới đây chính là yếu tố thuận lợi gây ra các bệnh tim mạch hiện nay.
Một số nghiên cứu do Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, bệnh viện Ung bướu TP. HCM thực hiện cho thấy bức tranh về nguyên nhân, hậu quả của nhiều bệnh tật, quá trình lão hoá nhanh; Nghiên cứu ở nhóm người làm việc văn phòng cho thấy tỷ lệ béo phì là 29,8%. Chỉ có 4,8% hoạt động thể lực đủ khuyến nghị, 49,4% đối tượng không tập thể dục.
Lượng chất xơ trung bình chỉ 7,9g trong khi khuyến nghị cần đạt 20 g/ngày. Thói quen ăn mặn chiếm tới 61,3%. Trung bình mỗi người tiêu thụ ± 1,2 gói mì ăn liền/tuần trong khi lượng muối trung bình trong mỗi gói mì ăn liền là 4,3 gam, gần tương đương nhu cầu khuyến nghị lượng muối một ngày của người trưởng thành.
Phòng từ tăng huyết áp
Theo PGS TS Nguyễn Thị Bạch Yến – Viện Tim mạch Việt Nam tăng huyết áp (THA) đang trở thành "sát thủ thầm lặng" trên thế giới. Tăng huyết áp là gánh nặng của toàn thế giới.
Năm 1975, toàn thế giới chỉ có 600 triệu người tuổi từ 18 bị tăng huyết áp. Đến năm 2015, ước tính có 1,13 tỷ người tăng huyết áp. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,56 tỷ người bị tăng huyết áp trên toàn thế giới. Tăng huyết áp chủ yếu ở các nước chậm và đang phát triển.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc THA đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo thống kê, năm 1960, tỷ lệ THA ở người trưởng thành phía bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992) theo điều tra trên toàn quốc của Viện Tim mạch thì tỷ lệ này đã 11,2%, tăng lên hơn 11 lần.
Kết quả điều tra năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp ở người độ tuổi 25-64 là 25,1%. Theo Tổng điều tra toàn quốc về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam năm 2015, có 18,9% người trưởng thành trong độ tuổi 18-69 tuổi bị tăng huyết áp, trong đó có 23,1% nam giới và 14,9% nữ giới.
Còn nếu xét trong độ tuổi 18-25 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp tăng từ 15,3% năm 2010 lên 20,3% năm 2015. Như vậy cứ 5 người trưởng thành 25-64 tuổi thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Gánh nặng bệnh tim mạch từ tăng huyết áp.
Theo PGS Bạch Yến chương trình mục tiêu y tế dân số năm 2016 – 2020 với dán phòng chống bệnh tim mạch với mục tiêu khống chế mức độ gia tăng bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim trong đó chủ động sàng lọc tăng huyết áp với thông điệp hãy "nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình".
Đến nay, tại Việt Nam ước tính có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp chưa được phát hiện. Việt Nam đang xây dựng mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp từ tuyến cơ sở đó là trạm y tế xã đến tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương với từng độ tăng huyết áp chưa có biến chứng đến có biến chứng.
Theo ông Trương Đình Bắc ngoài việc quản lý tốt số người tăng huyết áp thì việc thay đổi lối sống, chế độ ăn giàu các chất chống oxy hóa như: carotenoids, tocophenols và flavonoids có trong các trái cây và rau củ sẫm màu; không hút thuốc lá; hạn chế đường; muối và transfat là các yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tăng huyết áp.
Theo Trí thức trẻ