Thế giới sẽ ra sao khi biến chủng SARS-CoV-2 ngày càng lây lan?
Quản Trị Viên
Th 7 09/01/2021
Đầu năm 2020, toàn cầu nóng lên bởi loại virus chủng lạ, lây lan nhanh và gây tử vong cho hàng triệu người. Đó chính là SARS-CoV-2. Cuối năm 2020, nhân loại đối mặt biến chủng nguy hiểm của virus, có tên gọi B117, được tìm thấy đầu tiên tại Anh.
Không dừng lại ở đó, biến chủng 501.V2 tại Nam Phi cũng được đánh giá rất nguy hiểm. Chúng nhanh chóng lây lan ra hơn 30 nước, khiến giới khoa học lo ngại về giai đoạn dịch Covid-19 nguy hiểm sắp đến.
Lo ngại hơn với biến chủng ở Nam Phi
B117 có nguồn gốc từ đâu là câu hỏi không thể lý giải cho đến thời điểm này. Nhiều nhà khoa học chỉ ra những bệnh nhân bị tổn thương hệ miễn dịch là "trường học" cho virus tiến hóa.
SARS-CoV-2 tồn tại nhiều tuần, thậm chí vài tháng trong cơ thể người bệnh. Đây là cơ hội để chúng tái tạo, tích lũy và tìm cách "lách" khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch. National Geographic dẫn chứng về một ca bệnh là nam, 45 tuổi, bị suy giảm miễn dịch và mắc Covid-19 trong 5 tháng trước khi tử vong. Các nhà khoa học ghi nhận sự tiến hóa nhanh hơn của virus trong cơ thể bệnh nhân.
Chưa dừng lại ở đó, thế giới cùng lúc đối mặt hai biến chủng của nCoV. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Jeremy Farrar, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Wellcome Trust, nhận định: “Mối lo từ B117 giờ đây sẽ trở thành biến chủng thống trị toàn cầu với khả năng lây nhiễm nhanh. Nó sẽ thúc đẩy làn sóng Covid-19”. Ông cũng cảnh báo thế giới đang chuẩn bị bước vào giai đoạn “không thể lường trước” vì sự tiến hóa khôn lường của SARS-CoV-2.
Trả lời phỏng vấn của Times Radio, Giáo sư John Bell của Đại học Oxford (Anh), cho hay biến chủng mới của nCoV tại Nam Phi đáng lo ngại hơn ở Anh vì tốc độ và khả năng lây nhiễm. Số người mắc Covid-19 tại Nam Phi tăng gấp 3 lần sau 3 tuần, vượt mốc một triệu ca vào tuần trước.
Không có bằng chứng cho thấy biến chủng 501.V2 gây nguy hiểm hơn B117. Tuy nhiên, ông Bell cho rằng chúng ta không nên chủ quan bởi đột biến trong 501.V2 có sự biến đổi đáng kể về cấu trúc gene.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khác lo ngại nguy cơ 501.V2 có khả năng kháng thuốc. CNBC dẫn lời tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết 501.V2 dường như đã thoát khỏi một phần khả năng miễn dịch trước đó. Nó khiến người mắc Covid-19 có thể tái nhiễm biến chủng này. Đặc biệt, 501.V2 cũng có khả năng vô hiệu hóa các loại thuốc kháng virus.
Cơ hội đi trước virus
Mối quan tâm này khiến một số quốc gia đẩy nhanh việc cấp phép vaccine hoặc mua loại dược phẩm này nhằm tiêm chủng toàn dân. Các nhà khoa học kêu gọi chính phủ toàn cầu tăng cường biện pháp kiểm soát hiện có. Ngày 4/1, thủ tướng Anh Boris Johnson ban bố những hạn chế mới cứng rắn, bao gồm đóng cửa trường học, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trừ khi có việc thật sự cần thiết.
Nhà virus học Emma Hodcroft của Đại học Basel, Thụy Sĩ, nhận định: “Chúng ta đang ở tình huống hoàn toàn khác. Tôi hy vọng lần này toàn nhân loại có thể sớm nhận ra tiếng chuông báo động về một đợt dịch sắp ập đến. Đây là cơ hội cho chúng ta đi trước biến chủng này”. Cảnh báo trên đưa ra sau khi con số thực tế ca mắc Covid-19 tăng vọt tại Anh, cao hơn nhiều so với khả năng lây nhiễm tăng 50-70% như chính phủ nước này đã công bố.
Theo nhà di truyền học Mads Albertsen, Đại học Aalborg, Đan Mạch, quốc gia này vừa chứng kiến sự tăng vọt về ca mắc Covid-19 theo cấp số nhân trong 4 tuần qua. Con số còn quá nhỏ để kết luận, tuy nhiên ông Mads cảnh báo nếu xu hướng này tiếp diễn, đó sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiều quốc gia rơi vào kịch bản tương tự Anh, thậm chí “rất tệ”. Ông nhắn gửi người dân và chính phủ các nước “nên chuẩn bị ngay cho điều sắp xảy ra”.
Đứng trước các kịch bản "đặc biệt nguy hiểm" và "rất tệ" có thể xảy đến, các nhà khoa học cho rằng việc duy nhất để ngăn chặn điều này là giảm ca mắc Covid-19. Điều đó góp phần làm giảm cơ hội tiến hóa của virus. Về lâu dài, nếu ca mắc tiếp tục tăng lên, việc biến chủng đe dọa hiệu quả của vaccine rất có thể sẽ xảy ra.
Theo Zing News