Nhiều người ở Bình Định bị lừa tiêm vắc xin COVID-19 giả

Quản Trị Viên
Th 7 19/12/2020

Theo cáo trạng, Tiêu Thi Tuyết Sương học hết lớp 9 thì nghỉ, sau đó xin giúp việc cho một cơ sở hộ sinh tư nhân ở địa phương.

Trong quá trình phụ việc tại phòng hộ sinh, Sương thấy bác sĩ tiêm phòng cho trẻ em sau khi sinh nên biết được cách thức tiêm ngừa vắc xin.

Đến đầu tháng 7-2019, do nợ nần và thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa nhưng các Trung tâm y tế không đủ vắc xin để tiêm nên Sương nảy sinh ý định làm vắc xin giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác.

Sương tự xưng là nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, có nhiều loại vắc xin nhập từ nước ngoài, chuyên làm dịch vụ tiêm và tư vấn những kiến thức về tiêm chủng tại nhà, tiêm cho trẻ em không gây sốt. Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh, kim tiêm, các dụng cụ y tế khác rồi về nhà pha trộn với nhau, bơm sẵn các dung dịch này vào các vỏ lọ vắc xin đã sử dụng, đem cất trong thùng nhựa có đá lạnh.

Sau đó, Sương đến nhà tiêm cho nhiều người theo lịch đã hẹn trước. Dù tiêm các dung dịch do mình tự pha trộn nhưng người phụ nữ này nói là tiêm vắc xin ngừa các bệnh như: viêm gan A, viêm gan B, viêm màng não, HPV gây ung thư, ngừa đột quỵ, cúm, viêm não Nhật Bản...

Đầu tháng 3-2020, khi nghe tin đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều nơi nên Sương pha chế ra vắc xin ngừa COVID-19. Sương giới thiệu có vắc xin ngừa COVID-19 mới nhập từ nước ngoài về Việt Nam nên nhiều người đã đăng ký để Sương đến tiêm tại nhà.


Để tạo niềm tin, Sương lấy mẫu "Phiếu chỉ định chủng ngừa" của Nhà xuất bản Y Học trên internet rồi in màu ra thành nhiều bản, điền thông tin vào phiếu rồi đưa lại cho những người đã được tiêm để theo dõi. Đồng thời, Sương lấy mẫu máu của những người tiêm chủng nói mang đi xét nghiệm trước khi tiêm vắc xin, nhưng thực chất là làm giả mẫu giấy xét nghiệm để tăng thêm lòng tin.

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 7-2019 đến ngày 10-3-2020, Tiêu Thị Tuyết Sương đã tiêm vắc xin giả cho 34 người ở thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, trong đó có 22 trẻ em; chiếm đoạt tổng cộng hơn 63 triệu đồng của 18 người.

Trước tòa, Tiêu Thị Tuyết Sương thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và xin được nhận sự khoan hồng của pháp luật để làm lại cuộc đời. Sương khai do cuộc sống túng thiếu, trong khi nhiều người nhẹ dạ cả tin nên đã làm giả vắc xin để kiếm lợi và trang trải nợ nần.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi tiêm các loại vắc xin giả, nhất là vắc xin ngừa COVID-19 giả của Tiêu Thị Tuyết Sương là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác nên tuyên với mức án như trên để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Theo Báo Tuổi trẻ

Viết bình luận của bạn