Nguy cơ mang... dịch sởi về quê ăn Tết

SKV 247
Th 4 23/01/2019

Chưa có kháng thể bảo vệ sẽ bị sởi tấn công

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Những trường hợp chưa có miễn dịch với sởi khi tiếp xúc với mầm bệnh hầu hết đều mắc bệnh.

Trong khi đó, bệnh sởi đang xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, điểm nóng gây dịch đang tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai chiếm 85% số ca mắc sởi trên toàn quốc. Tính đến hết năm 2018, TPHCM ghi nhận gần 1.700 ca mắc bệnh sởi xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, sởi đang lưu hành ở tất cả 24 quận huyện của toàn thành. Tại Bình Dương, Đồng Nai, số ca bệnh cũng đang ở mức cao, các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ dịch sởi sẽ bùng phát từ nay đến hết tháng 6/2019 nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Nguy cơ mang... dịch sởi về quê ăn Tết  - 1

Dịch sởi đang tấn công cả người lớn lẫn trẻ em chưa có kháng thể bảo vệ

 

Phân tích nguyên nhân gia tăng bệnh sởi trong cộng đồng, BS Lê Thị Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng cho hay: Tiêm vắc xin mũi 1 lúc trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh sởi. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu trong độ tuổi từ 9 tháng đến 5 tuổi, khoảng 95% trẻ nhiễm bệnh không rõ tiền sử tiêm chủng sởi (chưa có miễn dịch với sởi).

Trên thực tế, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 tại TPHCM khoảng 95% (đạt độ bao phủ miễn dịch cộng đồng) nhưng chỉ có 60% trẻ chích nhắc mũi 2. Số trẻ không được chích mũi 1 và chích nhắc mũi 2 được xác định là do phụ huynh không muốn chích ngừa cho con; quên lịch tiêm ngừa của con; hoãn do trẻ bị bệnh khi đến ngày tiêm chủng; chờ vắc xin dịch vụ (chích mũi 1 lúc 12 tháng, chích mũi 2 lúc 4 đến 5 tuổi).

Chủ động phòng bệnh cho đối tượng nguy cơ

Trước những thông tin liên quan đến việc trẻ không được chích ngừa hoặc mắc bệnh khi chờ vắc xin dịch vụ phân tích của PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, chỉ ra: “Vắc xin sởi cần cân đối giữa thời điểm tiêm và yếu tố dịch tễ để đưa ra quyết định phù hợp. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chích vắc xin độ miễn dịch đạt khoảng 67%; trẻ 9 tháng tuổi độ miễn dịch đạt 85%; ở 12 tháng tuổi là 95%”.

Nguy cơ mang... dịch sởi về quê ăn Tết  - 2

Trẻ cần được chích ngừa mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi

 

“Ở nhiều nước, triển khai tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi là do dịch tễ của khu vực - sởi thường gây bệnh cho nhóm trẻ trên 12 tháng tuổi. Ngược lại, Việt Nam có tới 14% trẻ dưới 12 tháng tuổi do đó cần phải tiêm từ lúc trẻ được 9 tháng tuổi. Trường hợp không được chích ngừa trong giai đoạn này nếu trẻ không may nhiễm bệnh nguy cơ phải đối mặt với những biến chứng ở nhóm bệnh nhi là rất cao và nguy hiểm”, PGS Trọng Lân cho hay.

Cũng theo PGS Trọng Lân, sởi lây lan ở tốc độ rất nhanh và nguy hiểm, nếu cộng đồng có 1 người bị sởi thì nguy cơ hơn 90% số người còn lại (chưa được miễn dịch) sẽ mắc sởi. Những nơi tập trung dân số đông, sởi sẽ tấn công toàn bộ cộng đồng cho đến khi tất cả số người chưa được kháng thể bảo vệ bị nhiễm bệnh thì sởi mới dừng lại. Do đó, phát hiện sớm, khống chế và điều trị kịp thời bệnh sởi là giải pháp quan trọng không để sởi lây lan.

Nguy cơ mang... dịch sởi về quê ăn Tết  - 3

Tuyệt đối không chủ quan với sởi trong bối cảnh dịch đang lây lan

 

Ông cảnh báo: Tết Nguyên Đán sắp tới, người dân giao thương, đi lại nhiều, nhóm mang mầm bệnh sẽ từ các thành phố lớn về quê đây sẽ là nguy cơ rất lớn, khó kiểm soát sự lây lan, phát tán dịch sởi ra nhiều địa phương khác. TPHCM đang chiếm 30% số ca mắc sởi trên cả nước, nguy cơ lây lan khi người dân về quê đón Tết rất cao, cộng đồng cần nâng cao ý thức trong việc phát hiện dấu hiệu bệnh để khám, điều trị kịp thời, tránh về quê khi đang mang bệnh.

Nguy cơ mang... dịch sởi về quê ăn Tết  - 4

Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ cần chủ động chủng ngừa trước khi mang thai để tránh nguy hiểm trong thai kỳ

 

Ngoài những đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chủ động chích ngừa sởi ở thời điểm 3 tháng trước khi mang thai. Những người thường xuyên đi lại hoặc đến vùng có dịch, cần chích ngừa để tránh nguy cơ lây bệnh cho cộng đồng. Tại bệnh viện cần kiểm soát lây nhiễm chéo, chích ngừa cho nhân viên y tế, người nuôi bệnh và người tiếp xúc với bệnh nhân phải thường xuyên mang khẩu trang.

Theo dantri

Viết bình luận của bạn