Nghệ sĩ hài Chí Tài qua đời: Cẩn trọng với căn bệnh đột quỵ!
Quản Trị Viên
Th 5 10/12/2020
Chiều 9/12, truyền thông Việt Nam và hàng triệu khán giả đã không khỏi chấn động trước thông tin nam danh hài được yêu thích bậc nhất Việt Nam - Chí Tài bất ngờ qua đời. Thông tin này được quản lí cũ của nam danh hài xác thực với báo chí.
Theo đó, nghệ sĩ Chí Tài hưởng thọ 62 tuổi. Nguyên nhân khiến nghệ sĩ Chí Tài tử vong được xác định là do đột quỵ. Mặc dù được đưa vào bệnh viện để cấp cứu, tuy nhiên nam danh hài đã không thể qua khỏi.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc phải bệnh đột quỵ. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hầu như những người được chữa khỏi đều có những di chứng như tê liệt, rối loạn cảm xúc, mất ngôn ngữ, suy giảm chức năng thị giác,...
Đột quỵ có thể xảy ra do một trong 3 nguyên nhân là nhồi máu não, xuất huyết não và thiếu máu não. Các triệu chứng của căn bệnh đột quỵ có xu hướng xảy ra đột ngột và hầu như luôn ảnh hưởng một bên cơ thể.
Những triệu chứng này sẽ nặng nhất trong vòng 24 đến 72 giờ đầu, bao gồm: Đau đầu một cách đột ngột; Mất khả năng thăng bằng, đi đứng khó khăn; Bất tỉnh hoặc hôn mê; Hoa mắt, chóng mặt; tầm nhìn bị tối hoặc mờ; Tê và yếu đi ở cánh tay, mặt hoặc chân ở một bên cơ thể; Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu;...
Cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Khi phát hiện người bị đột quỵ cần gọi ngay người trợ giúp và xe cấp cứu. Trong thời gian chờ hỗ trợ, cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường về tình trạng của người bệnh. Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn.
Tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở.
Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ.
Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cần hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi liên tục phản ứng của bệnh nhân.
Theo Saostar