Nắng nóng khủng khiếp, người trẻ bị đột quỵ tăng đột biến
Quản Trị Viên
Th 5 25/06/2020
Nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch nói chung và đột quỵ nói riêng tăng cao, đặc biệt là ở người cao tuổi. Số trẻ em nhập viện vì bệnh viêm đường hô hấp cũng có dấu hiệu tăng lên so với bình thường.
Người còn trẻ bị đột quỵ có xu hướng tăng nhanh
Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 40 tuổi, trong tình trạng hôn mê, phù não, phải thở máy. Người nhà cho biết, anh đang làm việc trên cánh đồng thì cảm thấy mệt, thiếp đi. Theo các bác sĩ, nếu qua khỏi, người bệnh chắc chắn phải chịu di chứng nặng nề, như đi lại khó khăn, phản xạ chậm chạp, do não bị tổn thương.
Trời nắng nóng mấy ngày qua khiến nhiều trẻ phải nhập viện điều trị Ảnh: Thái Hà
Trong những ngày vừa qua, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C khiến những người mắc các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, suy tim, hẹp động mạch vành… bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề. Bác sĩ lưu ý, những người mắc các bệnh này không có chế độ sinh hoạt phù hợp và tuân thủ điều trị có thể dẫn đến những hậu quả xấu.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi có kèm theo bệnh nền tim mạch, khi thay đổi của cơ thể phản ứng với nắng nóng có thể làm tim đập nhanh lên, bệnh nhân càng cảm thấy khó chịu, đau ngực; hoặc khi mất nước nhiều làm tụt huyết áp. Nếu không được bù đủ nước, bệnh nhân có thể bị suy tim cấp trên nền bệnh lý tim mạch có sẵn hoặc có thể nhồi máu cơ tim.
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều người dễ có nguy cơ bị đột quỵ trong mùa nắng nóng là không gian ở thường dùng máy lạnh. Khi ở trong phòng máy lạnh, đột ngột bước ra bên ngoài nóng với nhiệt độ cao hơn, sẽ hay bị choáng, xây sẩm, ngất. Tùy đáp ứng của mỗi bệnh nhân, nhiều trường hợp sốc nhiệt có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Ngày nay, đột quỵ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn xuất hiện nhiều ở những người trẻ tuổi, nhất là những người trẻ lạm dụng rượu bia, sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, bị áp lực công việc, cuộc sống lớn,... Tỷ lệ người trẻ phải nhập viện vì đột quỵ trong mùa nắng nóng có xu hướng tăng nhanh và đột biến.
Theo các bác sĩ, người làm việc dưới trời nắng gắt sẽ phải chịu tác động kép từ nhiệt độ cao và tia tử ngoại. Nắng nóng khiến não bộ không thể điều hòa nhiệt độ cơ thể, làm tổn thương nội tạng, gây rối loạn đông máu. Tia tử ngoại gây tổn thương cho da, cộng với tác động của nhiệt độ cao làm phù não, xuất huyết não. Nếu không có người trợ giúp sẽ rơi vào tình trạng sốc nhiệt, nguy kịch.
Khuyến cáo
Bác sĩ Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư khuyến cáo, nếu không có việc gì cần thiết thì người cao tuổi nên thường xuyên ở trong môi trường có nhiệt độ ổn định, hạn chế tối đa việc ra đường, nhất là trong thời gian từ 12h-16h hằng ngày.
Để tránh mất nước và rối loạn điện giải trong những ngày nắng nóng, người bệnh cần uống nhiều nước, trừ bệnh nhân suy tim. Người bệnh cũng không nên ăn quá no, ăn các thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn hoa quả và rau xanh, hạn chế muối, không sử dụng bia rượu. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm mồ hôi.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi.
Bác sĩ khuyến cáo, những người lao động trong điều kiện nắng nóng nên chọn thời điểm phù hợp, khi ánh nắng đỡ chói chang. Phải có phương tiện chống nóng tốt, uống đủ nước, tính toán thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Mọi người cần lưu ý khi tắm, không nên xả nước lạnh để hạ nhiệt độ cơ thể khi quá nóng. Nên làm mát từ từ bằng cách nghỉ ngơi, dùng quạt làm mát sau đó mới đi tắm, tránh gây sốc nhiệt.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.