Khuyến cáo mới nhất, phụ nữ Việt nên sàng lọc ung thư vú từ tuổi 40

SKV 247
Th 5 22/11/2018

Từ 30 - 34 đã bắt đầu tăng tỉ lệ mắc ung thư vú

Qua công trình được nhận giải nhất lĩnh vực Y Dược Nhân tài Đất Việt 2018 do báo Dân trí tổ chức, GS Thuấn chính thức đưa khuyến cáo mới nhất, chị em nên bắt đầu đi khám sàng lọc ung thư vú từ tuổi 40, thay vì tuổi 45 như khuyến cáo trước đây.

Cụ thể, ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.

Ngoài ra, tỉ lệ người trẻ mắc ung thư vú dương tính với gene HER 2 cao hơn với độ tuổi khác, càng thể hiện yếu tố tiên lượng xấu. Do vậy khả năng chữa khỏi ung thư vú ở những người mắc gene HER 2 cũng trẻ tuổi cũng khó hơn ở người tuổi cao.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương khuyến cáo chị em nên đi tầm soát ung thư vú từ tuổi 40. Ảnh: Hữu Nghị.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương khuyến cáo chị em nên đi tầm soát ung thư vú từ tuổi 40. Ảnh: Hữu Nghị.

GS Thuấn cũng đánh giá, ở người trẻ, tỉ lệ mắc ung thư vú HER 2 dương tính có xu hướng tăng. Trước đây, khi được chẩn đoán ung thư vú HER 2 dương tính thì tiên lượng bệnh rất xấu vì dễ di căn, nguy cơ tử vong cao. Song nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỷ lệ sống sau 5 năm đã đảo chiều ngoạn mục.

Cụ thế, để xác định gene HER 2 trước đây các cơ sở dùng phương pháp nhuộm hóa miễn dịch, tỷ lệ sai sót khoảng 5-10%. Trong khi với kỹ thuật FISH, biện pháp nhuộm huỳnh quang tỷ lệ chẩn đoán đúng, chính xác gần đạt 100%. Thậm chí các trường hợp âm tính với phương pháp cũ khi kiểm tra phương mới cho kết quả dương tính. Nhờ đó giảm thiểu tối đa các trường hợp bỏ sót không đáng có

Nhờ kĩ thuật này, tỉ lệ bộc lộ HER2 lên đến 41%, tỷ lệ khuyếch đại gene chiếm 39%. Đây là dấu ấn quan trọng cho việc ứng dụng liệu pháp điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab, qua đó cải thiện tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính. Cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%.\

"Nếu bình thường không có biện pháp điều trị đích, không có phương pháp chẩn đoán gen, tỉ lệ sống thêm của người bệnh có gen dương tính dưới 50%. Nhưng nay, nhờ các kĩ thuật mới này đã "lội ngược dòng", cải thiện ngoạn mục về tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú có thụ thể HER2 dương tính, cụ thể tỷ lệ sống thêm toàn bộ sau 1-3 năm là 87-98%, kể cả ở các nhóm có di căn hạch tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm là trên 75%, tỉ lệ ngang với Singapore", GS Thuấn nói.

Nếu không phát được gene này, không áp dụng phương pháp mới điều trị thì tỷ lệ sống sau 5 năm là dưới 50%. Bệnh viện K là nơi đầu tiên áp dụng phương pháp FISH từ năm 2000.

"Qua công trình này, chúng tôi chính thức đưa ra khuyến cáo mới nhất để tầm soát ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam. Do độ tuổi mắc ung thư Việt có xu hướng trẻ hơn ở các nước, vì vậy chúng tôi khuyến cáo chị em cần đi tầm soát từ 40 tuổi trở đi, thay vì 45 tuổi như khuyến cáo trước đây", GS Thuấn nói.

Thực tế cũng cho thấy, trong giai đoạn 2008-2010, qua sàng lọc 70.980 phụ nữ tại 7 tỉnh/thành phố, tỷ lệ phát hiện ung thư vú qua sàng lọc là 59,2/100.000 phụ nữ là khá cao, cho thấy hiệu quả khi triển khai các chương trình này tại cộng đồng.

Hãy duy trì thói quen khám vú mỗi tháng!

Đó là lời khuyến cáo của các chuyên gia với chị em phụ nữ để có thể phát hiện sớm ung thư vú.

Ngay từ trước tuổi 30, chị em hãy duy trì thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 5 -7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra. Và từ 40 tuổi, bên cạnh việc kiểm tra hàng tháng, hãy đi tầm soát ung thư vú tại BV mỗi năm một lần.

Hướng dẫn tư khám vú tại nhà

Ung thư dễ phát hiện nhất do người bệnh có thể tự sờ thấy một khối u ở vú, hạch ở nách. Vì thế, khi sờ thấy khối u ở vú, hạch ở nách, hay dịch máu bất thường ở đầu vú, hoặc cảm thấy bất thường cơ thể cần đi khám ngay. Đừng trì hoãn nay bận, mai bận để rồi không đến viện khám sớm

Đề tài nghiên cứu trên cho thấy ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24.4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26.4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh.

Trên 95% các trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Bệnh viện K là 75% tương đương với Singapore. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tăng lên nữa nếu phát hiện nhiều trường hợp sớm hơn.

GS Thuấn chia sẻ, điều trăn trở nhất của ông hiện nay là ý thức của người dân, của cộng động về bệnh ung thư chưa cao. Vì thế tỉ lệ người bệnh đi khám, điều trị ở giai đoạn muộn khá cao, trên 70%, đặc biệt là các bệnh ung thư gan, đại tràng. Riêng với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện nhất thì cũng có tới 50% chị em đi khám ở giai đoạn muộn.

Vì thế, ông mong muốn có sự vào cuộc bộ, ngành, tổ chức liên quan không chỉ ngành y tế để tăng cường nhận thức của người dân, tăng cơ hội khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú.

"Nếu BHXH VN chi trả cho chi phí sàng lọc phát hiện sớm bệnh, một năm đi khám 2 lần tăng số người được phát hiện sớm, tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú, giảm chi phí. Nếu phát hiện muộn điều trị tốn kém, lâu dài, hiệu quả điều trị không cao như mong muốn", GS Thuấn nói.

Theo dantri

Viết bình luận của bạn