Hiểm họa từ kháng sinh sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi
SKV 247
Th 7 22/12/2018
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, những năm qua người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.
Tại Châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.
Kháng sinh tại Việt Nam đang được mua bán công khai, thiếu kiểm soát
Điều này tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội làm tăng chi phí điều trị, áp lực lớn lên người bệnh đặc biệt là ở các nước nghèo, kém phát triển. Kháng thuốc ngày nay đã trở thành vấn đề y tế toàn cầu, năm 2017 thế giới có gần 800 nghìn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.
Kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong lịch sử Y học hiện đại để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh là đặc biệt cần thiết để điều trị bệnh cho con người cũng như cho vật nuôi. Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
Kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, trở thành mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển và làm đảo lộn các thành tựu của y học hiện đại.
Kháng kháng sinh gây ra gánh nặng bệnh tật và chi phí điều trị
Tại Việt Nam việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi. Đáng báo động hơn, để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, kháng sinh đang được trộn lẫn vào chuỗi thức ăn, người chăn nuôi vì thiếu hiểu biết hoặc cố ý đã và đang gây ra thảm họa kháng thuốc cho cộng đồng vì không thực hiện đúng quy định chuyên môn khiến kháng sinh tồn dư trong thực phẩm, vưỡng vãi trong môi trường sống.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” ngày 21/12 tại TPHCM, Bộ Y Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với tổ chức y tế thế giới, tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) và các đối tác phát triển tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động cam kết sự dụng kháng sinh có trách nhiệm. Đây là hoạt động thúc đẩy công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu kiểm soát kháng sinh ngay từ khâu thức ăn chăn nuôi
Cùng ngày, tại buổi thị sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cần thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm kịp thời phát hiện việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ngay từ nguồn thức ăn hoặc điều trị bệnh, quy trình sử dụng kháng sinh cho vật nuôi.
Tồn dư kháng sinh trong các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nếu không có giải pháp triệt để sẽ khiến nguy cơ kháng kháng sinh trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Bảo vệ cộng đồng ngay từ việc sản xuất thực phẩm an toàn, nói không với kháng sinh, chất phụ gia, chất bảo quản nguy hại sẽ là yếu tố quan trọng trong dự phòng, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
Theo dantri