Gia đình 3 người ở Đồng Tháp cùng hiến xác sau khi qua đời
SKV 247
Th 5 17/01/2019
Những đóa hoa cúc, huệ, đài hoa sen bằng giấy và vô số cánh hạc được xếp dọc hàng lang khuôn viên Đại học Y dược TP HCM, chiều 16/1. Các thi hài được đặt nghiêm trang trong không gian đèn hoa ấm áp, cổ choàng chuỗi hoa. Hàng trăm sinh viên y khoa kính cẩn xếp hàng tri ân những người hiến xác cho y học, trong không khí thiêng liêng tại Lễ Macchabée.
Hòa vào các thầy cô, sinh viên, thân nhân của những người đã hiến xác, chị Phan Thị Thùy Xuân không nén được xúc động.
"Tôi đã từng đứng đây với tư cách là người thân của nội, giờ là người thân của ba, của chú", cô giáo 35 tuổi nghẹn giọng.
Chị Xuân (giữa) cạnh thi hài của bố. Ảnh: Lê Phương. |
Cách đây 3 tháng, bố chị Xuân qua đời ở tuổi 60 do bệnh ung thư, thi hài được hiến tặng cho khoa học và đưa đến Đại học Y dược TP HCM. Hai hôm sau, chú ruột của chị Xuân bất ngờ ra đi sau cơn đột quỵ và cũng được đưa đến trường để cùng anh trai "làm người thầy thầm lặng".
"Ba tôi đã chống chọi với căn bệnh ung thư đúng 5 tháng. Trong một tuần chờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện, thay vì lo tìm hiểu bệnh tình thì ông sốt sắng liên hệ hỏi về hồ sơ hiến thi hài đã gửi trước đó", chị Xuân nói.
Khi bác sĩ đưa ra phương án điều trị phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản, ông từ chối vì biết rằng nếu cắt bỏ chỉ duy trì sự sống chứ không thể khỏi bệnh. "Bố nói đã có tâm nguyện hiến xác nên phải giữ vẹn nguyên các bộ phận trên cơ thể. Suốt mấy tháng trời bệnh tật hành hạ, không ăn uống được, suy kiệt nặng nề nhưng ông vẫn kiên định đến cùng", chị Xuân cho biết.
9 năm trước, bà nội chị Xuân là người đi tiên phong trong việc hiến xác. Người phụ nữ quê nghèo, quanh năm với ruộng đồng đã từ Đồng Tháp lên TP HCM nộp đơn. Thời đấy chuyện hiến xác vẫn còn xa lạ, khi bà qua đời con cháu nhiều người không đồng ý. Mất vài giờ tranh luận, mọi người mới thống nhất gọi điện cho bộ phận tiếp nhận thi thể để thực hiện di nguyện của bà, may mắn vẫn kịp trong 8 giờ đầu.
Hiểu hơn về nghĩa cử "đem thân mình làm quà tặng cho sự sống" của bà, gia đình chị Xuân hiện có 12 người đã làm nộp đơn xin hiến xác sau khi qua đời. Chị cũng là người hướng dẫn, mang đơn từ quê lên TP HCM nộp giúp 56 người thân, hàng xóm, bạn bè, để trọn ý nguyện không dừng hẳn cuộc đời khi trút hơi thở cuối cùng.
"Hàng xóm, họ hàng trước đây cứ tưởng gia đình hiến xác để kiếm tiền nên xì xào bàn tán, giờ mọi người đã hiểu ra đây là việc làm hoàn toàn thiện nguyện, thỏa nguyện ước hiến thân mình cho khoa học", chị Xuân tâm sự.
Các sinh viên Đại học Y dược TP HCM tại Lễ tri ân những người hiến xác cho y học chiều 16/1. Ảnh: Lê Phương. |
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y dược TP HCM, cho biết năm 2018 có 835 người đến làm hồ sơ hiến tặng thi hài. Tính đến nay tổng cộng 28.960 người làm hồ sơ hiến thi hài. Năm qua, trường tiếp nhận 21 thi hài, nâng tổng số thi hài từ trước đến nay là 781.
Hiện trường bảo quản 128 thi hài phục vụ cho học tập, nghiên cứu y khoa. Với những thi hài đã sử dụng để giảng dạy và nghiên cứu, khoảng tháng 7 hàng năm, trường tiến hành hỏa táng và hoàn trả tro cốt về gia đình.
"Thầy trò ngành y chúng tôi luôn kính trọng thi hài người tình nguyện. Họ là những 'Người Thầy im lặng', những 'Đóa hoa bất tử' mà trong suốt cuộc đời học nghề và hành nghề, sinh viên và thầy thuốc luôn mang nặng nghĩa ân", bác sĩ Vũ chia sẻ. Tấm lòng nhân ái, hy sinh cao cả của những người tình nguyện chính là những tấm gương rất gần, rất thực, là bài học đầu tiên về giáo dục y đức cho sinh viên y khoa.
Các thi hài được đặt tại Khoa Giải phẫu bệnh, Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Lê Phương. |
Từ thế kỷ 16, ngành giải phẫu học phát triển thành môn học quan trọng, việc phẫu tích xác trở nên phổ biến và bắt buộc trong các trường y khoa. Các y bác sĩ đã có sáng kiến, biến tinh thần biết ơn thành buổi lễ Macchabée vào dịp lễ Noel hàng năm, tổ chức khiêu vũ tạ ơn những người đã hiến thân mình cho khoa học
Theo vnexpress