Dịch COVID-19 ngày 23/4: Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu

Quản Trị Viên
Th 5 23/04/2020

Hôm nay (23/4), cả nước cơ bản sẽ dừng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.

Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện Chỉ thị 16

Từ hôm nay (23/4), cả nước cơ bản sẽ dừng thực hiện giãn cách xã hội. Trước đó, Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định từ ngày 23/4, 28 tỉnh, thành thuộc nhóm nguy cơ cao và có nguy cơ đối với COVID-19 sẽ dừng thực hiện giãn cách xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.

Như vậy là cả Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Hà Giang nơi có nhiều người mắc COVID-19 và mới ghi nhận bệnh nhân số 262 và 268 đều đã được đưa về nhóm tỉnh có nguy cơ, từ nhóm có nguy cơ cao và sẽ không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16.

Ngay sau khi có chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 23/4, Hà Nội ra khỏi nhóm nguy cơ cao (trừ hai huyện Thường Tín và Mê Linh), nhiều khu vực buôn bán, kinh doanh nổi tiếng về đêm tại một số tuyến phố của Hà Nội chấp hành nghiêm việc hạn chế mở cửa, đảm bảo giữ khoảng cách và hạn chế tụ tập đông người theo đúng tinh thần của Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/3, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng phải đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, dần ổn định đời sống nhân dân.

Trong khi đó, từ 0h ngày 23/4/2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chuyển sang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các nội dung của Chỉ thị 15. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, tối 22/4, Công an Thành phố đã tung lực lượng tăng cường phòng chống đua xe trên địa bàn Thành phố.

Dịch COVID-19 ngày 23/4: Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu - Ảnh 1.

Các cơ sở kinh doanh về đêm nổi tiếng tại phố Đinh Liệt-Cầu Gỗ (Hà Nội) vẫn chưa mở cửa kinh doanh đảm bảo phòng, chống dịch (Ảnh: TTXVN)

Dịch COVID-19 ngày 23/4: Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu - Ảnh 2.

Các cơ sở kinh doanh nổi tiếng về đêm tại phố Tạ Hiện (Hà Nội) vẫn chưa mở cửa trở lại (Ảnh: TTXVN)

Dịch COVID-19 ngày 23/4: Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu - Ảnh 3.
Dịch COVID-19 ngày 23/4: Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu - Ảnh 4.
Dịch COVID-19 ngày 23/4: Ngày đầu tiên cả nước cơ bản ngừng thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu - Ảnh 5.

Cảnh sát giao thông - Cảnh sát cơ động tại TP.HCM chốt chặn phòng chống đua xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt (Ảnh: TTXVN)

Tròn một tuần Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 mới

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó: 

 - 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%;  

- 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. 

Số ca mắc mới tính từ 18h00 ngày 22/4 đến 6h00 ngày 23/4: 0 ca 

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 68.081, trong đó: 

 - Cách ly tập trung tại bệnh viện: 369; 

 - Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.600; 

 - Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 49.112. 

Tình hình điều trị: 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. 

- Hiện tại còn 45 bệnh nhân đang được điều trị tại 08 cơ sở y tế, trong đó: 

39 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương; 

4 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh; 

2 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện. 

- Tình hình điều trị của 03 ca nặng: 

Tình hình sức khỏe BN19 và BN161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và BN91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: 

BN19: thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt. 

BN161: còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy. Tim mạch bình thường, huyết áp bình thường. Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, ăn tiêu qua sonde, không có biểu hiện xuất huyết, không sốt. 

BN91: Hiện bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt, thở máy. Không chảy máu mũi miệng, hút đàm có ít máu; tiểu nhiều 3000ml/24 giờ. Vấn đề hiện tại: Rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn. X-Quang phổi không tổn thương xấu thêm. 

- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 03 ca. 

- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 08 ca. 

Bộ Y tế đề xuất bổ sung số lượng máy thở

Xét đề nghị của Bộ Y tế về kế hoạch, phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ nhu cầu máy thở cho các kịch bản, đề xuất số lượng máy thở cần phải bổ sung thêm, làm việc với các đơn vị tài trợ và các đơn vị sản xuất để quyết định số lượng đặt hàng, mua theo đúng quy định.

Trước đó, tại Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám chữa bệnh nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài. Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất. 

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới. Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở. 

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 2,6 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng nay theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 2.631.025 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, trong khi số ca tử vong đã lên tới 183.783 trường hợp. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 716.811 người và vẫn còn 56.678 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 845.822 ca nhiễm (tang 27.078 ca so với hôm trước) và 47.479 ca tử vong (tăng 2.161 ca). Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 208.389 ca mắc (tăng 4.211 ca) và 21.717 ca tử vong (tăng 435 ca). Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 187.327 ca mắc (tăng 3.370 ca) và 25.085 ca tử vong (tăng 437 ca). Đứng thứ tư là Pháp với 159.877 ca mắc (tăng 1.827 ca) và 21.340 ca tử vong (tăng 544 ca).

Mặc dù Nga đứng sau các nước trên về tổng số ca nhiễm và tử vong, song số ca mắc mới ở nước này khá cao, với 5.236 trường hợp trong 24 giờ. Con số tăng thêm ở Anh cũng cao với 4.451 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay lên 133.495 người. Trong khi đó, số ca mắc mới ở Thổ Nhĩ Kỳ là 3.083 trường hợp, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 98.674 người.

Mặc dù số ca mắc mới và tử vong có liên quan đến COVID-19 trên thế giới vẫn tăng cao nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại đáng kể so với trước. Trung bình mỗi ngày số ca mắc mới chỉ dao động quanh ngưỡng 75.000 ca, thay vì hơn 100.000 ca như trước đây. Số ca tử vong mới cũng chỉ trong khoảng 6.000 - 7.000 trường hợp, bằng 1/2 hoặc 1/3 so với thời kỳ diễn biến nóng.

Số ca mắc COVID-19 ở Trung Đông tiếp tục tăng

Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 22/4 cho biết nước này đã phát hiện thêm 1.141 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở vương quốc này đã lên đến 12.772 người, trong đó có 114 người tử vong, tăng 5 ca sau 24 giờ. Cũng theo thông báo của Bộ Y tế Saudi Arabia, nước này đã chữa khỏi cho thêm 172 bệnh nhân mắc COVID-19, nâng tổng số ca bình phục lên 1.812 người.

Cùng ngày, Bộ Y tế Qatar cho biết tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 7.141 người, sau khi phát hiện thêm 608 ca mắc mới. Đáng chú ý, phần lớn các ca mắc mới là lao động người nước ngoài và hiện đã được đưa đi cách ly. Cũng theo bộ trên, Qatar đã chữa khỏi thêm cho 75 người, nâng tổng số người khỏi bệnh lên thành 689. Trong khi đó, số ca tử vong chỉ tăng thêm 1 người, lên thành 10 người tính đến thời điểm này.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho hay dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, khi số liệu thống kê cho thấy trong ngày 22/4 chỉ có thêm 117 người tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 2.376 người. Số ca nhiễm mới trong cùng thời điểm được ghi nhận là 3.083 người, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay lên 98.674 trường hợp. Trong khi đó, số bệnh nhận bình phục và ra viện là 16.477 người, tổng số trường hợp đã được xét nghiệm là 37.535 người.

Cũng trong ngày 22/4, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ghi nhận thêm 483 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên tới 8.238. Theo nhà chức trách UAE, các ca nhiễm mới là những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tất cả đều đang được điều trị và có điều kiện sức khỏe ổn định. Là quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và có số ca mắc khá cao nhưng đến nay UAE mới có 52 bệnh nhận tử vong do COVID-19.

Tại Iraq, Bộ Y tế nước này xác nhận phát hiện thêm 29 ca nhiễm mới, kéo dài danh sách số người mắc COVID-19 lên thành 1.631 người, trong đó đã có 83 bệnh nhân tử vong.

Ai Cập cũng có thêm 169 người mắc COVID-19 và 12 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Như vậy tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập là 3.659 người với 276 người đã tử vong. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch nhằm tránh để xảy ra những tình huống khó khăn hơn. Trong khi đó, Quốc hội Ai Cập bỏ phiếu thông qua sửa đổi một số điều khoản trong luật quy định về tình trạng khẩn cấp, nhằm trao cho Tổng thống quyền lực lớn hơn trong xử lý những tình huống y tế nghiêm trọng như sự bùng phát của dịch COVID-19.

Ấn Độ chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng lao để chống COVID-19

Trong 2 tuần tới, Ấn Độ sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vaccine này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) hay không.

Loại thuốc sắp được thử nghiệm là vaccine phòng bệnh lao BCG tái tổ hợp của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phát triển năm 1919 và đã được chứng minh an toàn trong quá trình sử dụng. Viện này có thể tạo ra từ 300 - 400 triệu liều. Ông Adar Poonawalla, Giám đốc viện trên, cho biết vaccine BCG tái tổ hợp sẽ tốt hơn vaccine BCG hiện hành vì có đặc tính an toàn cao, có thể tiêm cho trẻ sơ sinh. Vaccine này đang được sử dụng ở hơn 100 quốc gia trên thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua.

Theo kế hoạch, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine BCG tái tổ hợp trong vòng 2 tuần nữa để chứng minh khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở người. Các thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Pune, thuộc bang Maharashtra và cũng là nơi đặt trụ sở của viện. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 - 3.000 người thuộc diện nguy cơ cao tham gia thử nghiệm này, bao gồm người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, huyết áp cao và các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, từ nay cho đến khi kết thúc thử nghiệm, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ chưa đưa ra khuyến cáo sử dụng đối với loại vaccine này. Bên cạnh Viện Huyết thanh Ấn Độ, khoảng 6 công ty dược phẩm ở nước này cũng đang phát triển một số loại vaccine khác nhưng chưa đến giai đoạn thử nghiệm trên người.

Trong một diễn biến liên quan, các chuyên gia y tế Ấn Độ dẫn một số nghiên cứu gần đây cho thấy những quốc gia không tiêm chủng BCG phổ cập có tỷ lệ mắc COVID-19 cao hơn những nước khác. Điển hình như Mỹ và Italy.


Theo vtv.vn

Viết bình luận của bạn