Biến chứng nguy hiểm trên mắt ở bệnh nhân COVID-19 có thể gây mù lòa

Quản Trị Viên
Th 6 19/02/2021

Các chuyên gia của Hiệp hội Thần kinh học Pháp phát hiện điểm bất thường trên mắt một số bệnh nhân COVID-19 nặng, đó là nốt sần trong điểm vàng, có thể gây mù lòa.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng hơn 100 triệu người kể từ khi nó được phát hiện vào đầu năm 2020. Virus SARS-CoV-2 chủ yếu tấn công phổi và gây ra nhiều biến chứng. Nhưng mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đến đâu vẫn là câu hỏi thách thức với giới khoa học.

Mới đây, các chuyên gia tại Hiệp hội Thần kinh học Pháp (SFNR) đã nghiên cứu trên 129 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng và phát hiện biến chứng bất thường ở mắt của những người này.

“Vấn đề có thể rất nghiêm trọng”

Các chuyên gia đã phân tích trên 129 bệnh nhân ở Pháp, nhập viện trong tình trạng nặng. Những người này cũng phải trải qua các bài kiểm tra bổ sung như soi đáy mắt; sử dụng thấu kính lúp và đèn để kiểm tra mặt sau bên trong mắt; chụp cắt lớp liên kết quang học; chiếu - chụp hình ảnh 3D cấu trúc mắt. Qua kết quả quét chụp cộng hưởng từ, họ phát hiện 9 người (tương đương 7%) có dấu hiệu bất thường về mắt.

Phó giáo sư, tiến sĩ Augustin Lecler, Đại học Paris, tác giả chính của nghiên cứu, trả lời phỏng vấn của Live Science: “Điểm đặc biệt trên các hình ảnh MRI đó là những bất thường được gọi là ‘nốt sần’ ở sau mắt. Đó có thể là dấu hiệu của viêm hoặc tổn thương trực tiếp đến cơ quan này”.

9 bệnh nhân đều có nốt ở điểm vàng - nơi quyết định thị lực, khả năng nhìn. 8 bệnh nhân có các nốt ở cả hai mắt và họ phải điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu trong thời gian dài.

Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng xuất hiện các nốt sần tại điểm vàng. Các chuyên gia cảnh báo điều này về lâu dài có thể gây thoái hóa điểm vàng, thậm chí mù mắt. (Ảnh: Freepik)

“Các vấn đề về mắt mà chúng tôi phát hiện ra có thể rất nghiêm trọng bởi chúng xuất hiện ở điểm vàng. Đây là nơi quyết định tầm nhìn và khả năng nhìn rõ từng chi tiết của mắt. Nếu kéo dài, nó có thể dẫn đến mất thị lực nặng, thậm chí mù lòa", Phó giáo sư Lecler nói thêm.

Ông Lecler đồng thời cũng là nhà thần kinh học nổi tiếng tại Bệnh viện Foundation Adolphe de Rothschild ở Paris. Nghiên cứu của ông và đồng nghiệp đã được công bố trên tạp chí Radiology vào ngày 16/2.

Họ lưu ý thêm những vấn đề nghiêm trọng ở mắt của các bệnh nhân mắc COVID-19 tiên lượng nặng thường không được chú ý. Khi bệnh nhân phải nhập viện và chăm sóc trong phòng ICU, hầu hết bác sĩ tập trung điều trị để giảm nhẹ triệu chứng về phổi hoặc các rắc rối có thể đe dọa tính mạng của họ.

Nguyên nhân?

Bệnh nhân mắc COVID-19 gặp một số vấn đề liên quan viêm kết mạc từng được báo cáo trước đó. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện bất thường lớn như vậy.

Nhóm tác giả cố gắng tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Họ đặt giả thuyết các nốt sần có thể liên quan tình trạng viêm do virus gây ra. Bệnh nhân nặng phải nằm sấp trong thời gian dài, khiến nước trong tĩnh mạch quanh mắt không thể thoát ra. 7/9 bệnh nhân có nốt sần, sưng lên đã phải nằm sấp trong phòng ICU hoặc được đặt ống nội khí quản.

Trong số 9 trường hợp nói trên, nhiều người có bệnh lý mạn tính. Hai người bị tiểu đường, 6 ca mắc chứng béo phì và 2 trường hợp huyết áp cao.

Tiến sĩ Claudia FE Kirsch, Trưởng khoa thần kinh, Trung tâm Y tế Northwell Health, New York, Mỹ, cho rằng nhiễm virus hoặc nhiễm trùng lâu dài cũng có thể gây phản ứng có hại cho mắt. Bởi virus xâm nhập vào máu, khiến các mạch máu bị tắc nghẽn, gây ra phản ứng viêm trong cơ quan này.

Các chuyên gia chưa thể xác định cách thức nCoV gây tổn thương cho mắt. (Ảnh: NAIDS)

Tuy nhiên, các chuyên gia chưa biết virus SARS-CoV-2 gây tổn thương cho mắt bằng cách nào. Họ đặt giả thuyết có thể SARS-CoV-2 xâm nhập trực tiếp vào mắt. Các tế bào trong võng mạc không thể nhận ra thụ thể ACE2 và cho phép nCoV tấn công vào bên trong tế bào.

Dù vậy, nghiên cứu này vấp phải vấn đề đó là không thể theo dõi số lượng bệnh nhân lớn hơn và chưa xác định được những bất thường đó là tạm thời hay ảnh hưởng vĩnh viễn tới mắt. Những bệnh nhân này chưa có ảnh hưởng cụ thể về thị lực để các nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá cuối cùng.

Trước đó, chuyên gia người Anh Chris Steele từng cảnh báo bệnh nhân nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 bị chứng sợ ánh sáng và mắt nhạy cảm hơn. Bài báo mà nhóm chuyên gia của Đại học Anglia Ruskin, Anh, công bố trên tạp chí BMJ Open Ophthalmology vào tháng 8/2020 cũng chỉ ra nhiều bệnh nhân bị viêm kết mạc sau khi mắc COVID-19.

Giữa tháng 12/2020, Medical Express báo cáo về tình trạng bệnh nhân COVID-19 gặp biến chứng nặng ở mắt. Khoa Nhãn của Trung tâm Y tế Northwell Health, New York, Mỹ, ghi nhận 3 người nhiễm SARS-CoV-2 bị viêm giác mạc. Họ gặp phải tình trạng hiếm gặp là nhiễm trùng chất lỏng bên trong nhãn cầu, còn gọi là viêm nội nhãn. Tất cả bệnh nhân đều ở độ tuổi 60.

Viêm nội nhãn rất hiếm gặp, có thể do virus gây ra. Các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm đau, đỏ, chảy dịch từ mắt, sưng mí mắt và giảm thị lực. Viêm giác mạc phát triển thành viêm nội nhãn là điều rất không bình thường. Nhiều bệnh nhân COVID-19 gặp phải tình trạng viêm kết mạc ở mắt, dạng nhẹ hơn, gây đỏ mắt, nhiễm trùng nhẹ.


Theo VTC

Viết bình luận của bạn