Bệnh nguy hiểm do thói quen ăn gỏi cá sống

Quản Trị Viên
Th 4 30/09/2020

Chu kỳ sinh trưởng và lây nhiễm của sán lá gan nhỏ

Nhiều cá nước ngọt nhiễm sán lá gan nhỏ

Theo TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Hà Nội), thói quen ăn cá sống, gỏi cá với cá chưa nấu chín đã tồn tại rất lâu ở một số địa phương như: Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Phú Yên...

Có nhiều hình thức ăn gỏi cá, có thể là cá được cắt thành những miếng nhỏ, trộn với thính, gia vị, rau thơm; hoặc cũng có một số nơi, sau khi bắt được cá đang bơi, họ ăn trực tiếp cả con cá với rau sống, rau thơm...

“Nguy cơ ăn cá sống, gỏi cá với sức khỏe rất đáng lưu ý, đặc biệt là nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ. Trong đó, tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ rất cao tại những nơi người dân có tập quán ăn cá sống, gỏi cá. Tại VN, 32 tỉnh thành có bệnh sán lá gan nhỏ”, TS Dũng cho biết.

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, trong các năm 2018 - 2019, nghiên cứu xét nghiệm cho người từ 6 tuổi trở lên tại một số xã mà người dân có thói quen ăn gỏi cá của H.Lục Yên, H.Yên Bình (tỉnh Yên Bái) cho thấy: Trong tổng số 1.748 xét nghiệm tại 14 xã của 2 huyện, tỷ lệ trung bình nhiễm sán lá gan nhỏ tại 2 huyện này là 34,6%. Riêng tại xã Yên Thành của H.Yên Bình, tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ lên đến 68,6% trong số những người được xét nghiệm.

Một số địa phương khác như: H.Nga Sơn (Thanh Hóa); H.Kim Sơn, H.Yên Khánh (Ninh Bình), H.Nghĩa Hưng, H.Hải Hậu (Nam Định), H.Ba Vì (Hà Nội), tỷ lệ nhiễm khá cao, dao động từ 15 - 30% người dân nhiễm sán lá gan nhỏ.

“Năm 2017 - 2018, nghiên cứu do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư thực hiện đã xét nghiệm một số mẫu cá tại vùng hồ Thác Bà (Yên Bái) cho kết quả các loại cá như: tép dầu, cá thiểu, cá mương, chép, trôi... đều nhiễm sán lá gan nhỏ. Như vậy, nếu ăn cá sống thì nguy cơ nhiễm sán gan nhỏ rất cao”, TS Dũng lưu ý.

Ký sinh lâu dài, gây bệnh nguy hiểm

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, bệnh nhân nhiễm sán lá gan nhỏ có biểu hiện đau bụng kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút. Đặc biệt là biểu hiện của đau do viêm đường mật, viêm túi mật.

TS Dũng cho hay sán lá gan nhỏ có thể sống trong cơ thể người đến 25 năm, chúng sống trong gan, gây sỏi mật dẫn đến xơ gan, xơ hóa đường mật, xơ gan. Đáng lưu ý, sán lá gan nhỏ sau nhiều năm tồn tại trong gan có thể gây ung thư đường mật dẫn đến tử vong.

“Ăn cá sống, cá chưa nấu chín còn có nguy cơ nhiễm sán lá ruột nhỏ. Hiện cộng đồng còn ít biết về loại sán này. Trong cơ sở y tế cũng có thể chưa chú ý phát hiện sán lá ruột nhỏ”, TS Dũng cho biết thêm.

Người nhiễm sán lá ruột nhỏ thường không biểu hiện các triệu chứng điển hình. Chủ yếu chỉ là rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Sán này sống trong ruột non, hút chất dinh dưỡng, gây rối loạn tiêu hóa. Đã có nghiên cứu tại Philippines đưa ra cảnh báo, sán lá ruột nhỏ kết đám tại tim, não và gây tử vong cho người bệnh.

Theo TS Dũng: “Nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ đặc biệt cao khi có thói quen ăn cá sống, gỏi cá, các món cá nước ngọt ở ao, sông, hồ không nấu chín. Ngay cả khi chỉ một lần ăn thì vẫn có thể nhiễm sán lá gan nhỏ. Cá ở suối được cho là cá sạch thì cũng vẫn có thể gây nhiễm sán lá gan nhỏ”.

Khi đã từng ăn gỏi cá, làm gỏi cá, sống trong vùng có nhiều người nhiễm sán lá gan nhỏ, có các triệu chứng như hay đau bụng, chán ăn, khó tiêu, gầy sút, xạm da, vàng da thì nên đi khám bệnh tại các cơ sở chuyên khoa, để được chẩn đoán đúng, vì dễ nhầm giữa trứng sán lá gan nhỏ và trứng sán lá ruột nhỏ do chúng có đặc điểm hình thái rất giống nhau.

Điều trị sán lá gan nhỏ bằng thuốc đặc trị sẽ loại bỏ hoàn toàn. Các xét nghiệm phân thông thường đã có thể chẩn đoán nhiễm sán lá gan nhỏ với chi phí từ 100.000 - 300.000 đồng/xét nghiệm.

Theo Báo Thanh niên
Viết bình luận của bạn