3 người hôn mê, ngừng thở do ăn nhầm hoa chuông chứa chất kịch độc

Quản Trị Viên
Th 5 01/10/2020

Cây hoa chuông chứa chất kịch độc mà các nạn nhân ăn phải

Ngày 1/10, Dân trí dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân là: L.T.Y (75 tuổi), L.M.C (50 tuổi) và N.V.B. (57 tuổi) đều trú tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan nhập viện sau khi cùng ăn một loại hoa hái trên rừng.

Theo lời người nhà các bệnh nhân, trước đó, ông B. và C. lên rừng phát hiện một loại hoa hình giống chiếc chuông, có màu vàng, rủ xuống, do nhầm với một loại hoa khác nên 2 người này đã hái về xào, cùng ăn còn có bà Y. (mẹ anh C.). Sau ăn khoảng 5 tiếng, cả 3 người cùng có dấu hiệu hôn mê, gọi hỏi không trả lời nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Tại thời điểm nhập viện, các bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê, kích thích, vật vã, tím tái, suy hô hấp, ngừng thở. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ chống độc: Rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp. Riêng bệnh nhân C. do suy hô hấp nặng, ngừng thở nên phải thở máy.

Sau 12h điều trị, cả 3 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số ổn định nhưng lại có những biểu hiện khác nhau. Bệnh nhân B. đã được rút ống thở, trong khi bệnh nhân C. còn lại bị bí tiểu.

Đặc biệt, bệnh nhân Y.có biểu rối loạn tâm thần, không nhận ra người thân, không nhận biết được không gian, thời gian. Hiện các bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện tỉnh.

Theo thông tin trên Vietnamnet, cây hoa chuông là cây mọc dại hoặc được trồng làm cảnh khá phổ biến. Trong từ điển cây thuốc Việt Nam loại cây này còn được gọi với cái tên “cây thôi miên” hay “hơi thở của quỷ” bỏ trong hoa của loài cây này chứa chất gây ảo giác Scopolamine (chất độc bảng A).

Loại chất độc này có thể gây kích thích hệ thần kinh trung ương dẫn đến rối loạn tri giác, kích thích, hôn mê và co giật. Người bị nhiễm độc nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Do đó, người dân cần lưu ý, không hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về độc tính của cây để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Theo Đời sống Plus/GĐVN

Viết bình luận của bạn