Phá thai bằng thuốc, nguy hại thế nào?
SKV 247
Th 7 22/12/2018
Phá thai bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc có chứa hoạt chất mifepristone, misoprostol) để chấm dứt thai nghén. Phương pháp này được thực hiện cho những người có thai 7 tuần tuổi trở xuống (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối).
Thuốc sẽ làm thai ngừng phát triển và gây sảy thai tự nhiên. Tỷ lệ thành công của phương pháp phá thai bằng thuốc chỉ xấp xỉ 96% nếu dùng đúng cách, khoảng 4% uống thuốc phá thai không có tác dụng. Thai sẽ vẫn phát triển nhưng không bình thường, có thể bị khuyết tật, dị dạng, khi đó bác sĩ sẽ phải dùng cách khác để phá thai.
So với can thiệp ngoại khoa, biện pháp này ít gây đau đớn hơn, ít bị biến chứng như thủng tử cung, ít tổn thương ruột cũng như ít gây ra các hiện tượng dính buồng tử cung gây hiếm muộn, vô sinh... Tuy nhiên, biện pháp này cũng để lại ảnh hưởng tới tâm lý nặng nề của người phụ nữ và nó chỉ có hiệu quả khi tuổi thai còn nhỏ, gây chảy máu kéo dài, có những trường hợp kéo dài 20 ngày.
Cần nhấn mạnh, phương pháp này cần được thực hiện và theo dõi bởi bác sĩ sản khoa, người bệnh không được tự ý mua về tự phá thai sẽ nguy hiểm.
Khi dùng thuốc để phá thai, người sử dụng có thể thấy buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa trong quá trình sẩy thai. Những triệu chứng này không phải là vấn đề bất thường và sẽ qua đi trong thời gian ngắn, không cần điều trị. Có trường hợp thấy chóng mặt, đau đầu sau khi uống misprostol. Khi đó hãy uống nhiều nước hoặc nước hoa quả và uống thuốc giảm đau nếu cần thiết. Trường hợp bị sốt trong vài giờ, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng qua đi và không nguy hiểm.
Để hạn chế những tai biến và biến chứng cũng như tăng tỷ lệ thành công khi áp dụng phương pháp phá thai nội khoa, bạn cần: đi khám thai sớm để có thể phát hiện và dùng thuốc khi thai còn nhỏ, hiệu quả sẽ cao và ít biến chứng; chỉ dùng thuốc khi chắc chắn có thai trong buồng tử cung (xác định bằng siêu âm); uống đủ thuốc và đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ.
Theo DS. Yến Trang
Sức khỏe & Đời sống