Trẻ sơ sinh bị ho và giải mã tiếng ho của bé
Quản Trị Viên
Th 4 10/04/2019
Tiếng ho của trẻ sơ sinh có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề liên quan. Trẻ sơ sinh ho như thế nào là bình thường và không bình thường, cho biết bé đang gặp một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Tại sao trẻ sơ sinh bị ho?
1. Ho là gì?
Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh hoặc tống xuất dị vật lọt vào đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Khi trẻ sơ sinh bị bệnh đường hô hấp, ho giúp đường hô hấp thông thoáng, tống xuất đờm, dịch mũi họng… ra ngoài. Có hai kiểu ho điển hình ở trẻ sơ sinh:
- Ho khan: Ho khan xảy ra khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Trẻ sơ sinh bị ho khan là do thanh quản bị viêm và phản ứng của khí quản dưới sự thay đổi của nhiệt độ về chiều tối và ban đêm, đôi khi kèm theo triệu chứng thở khò khè.
- Ho có đờm: Đây là biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm nhầy có màu trắng hoặc xanh.
2. Tại sao trẻ sơ sinh bị ho?
Trẻ sơ sinh (dưới 4 tháng tuổi) thường ít bị ho. Do đó, việc bé cưng bị ho có thể là do các nguyên nhân sau:
- Trong nhà có người hút thuốc lá
- Bạn dùng than củi để xông sau khi sinh
- Môi trường sống xung quanh quá nhiều khói bụi ô nhiễm
- Thời tiết thay đổi
- Bé bị bệnh: viêm phế quản, viêm phổi, dị ứng, ho gà…
- Bé bị sặc, hóc dị vật
- Bé bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus – RSV).
Nhiều trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè có nguyên nhân là do đường hô hấp dưới của bé tăng tiết dịch nhầy để chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc dị vật nằm trong khí quản của bé.
Nhận biết trẻ sơ sinh bị ho và cách chữa cho cho trẻ
1. Trẻ sơ sinh bị ho do mắc bệnh cảm lạnh hay cảm cúm thông thường
Việc mắc bệnh cảm lạnh hay cảm cúm thông thường là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh bị ho. Bé ho do cảm lạnh thường có các dấu hiệu sau:
- Nghẹt mũi
- Có các dấu hiệu của bệnh viêm họng
- Ho khan
Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cảm lạnh, bé có thể có: ho có đờm nhớt, sốt nhẹ vào ban đêm.
Để điều trị bệnh cho bé, bạn nên thực hiện các điều sau:
- Cho bé bú đủ: Cho bé bú đủ, có thể cho bé uống thêm chút nước. Việc bé bú đủ có tác dụng làm loãng dịch đờm giúp bé ho dễ dàng hơn.
- Không dùng thuốc ho và thuốc trị cảm lạnh một cách tùy tiện: Các bác sĩ ở Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo bạn không nên cho trẻ dưới 6 tuổi dùng thuốc ho và thuốc trị cảm lạnh. Các loại thuốc này đôi khi còn gây những tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
- Giảm ho: Nếu bé bị ho do nghẹt mũi (ngạt mũi), để giảm cơn ho của bé, bạn có thể dùng nước muối sinh lý làm sạch mũi bé, dùng máy phun sương để tạo ẩm giúp bé dễ thở hơn. Nếu bé lớn hơn một tuổi, bạn có thể cho bé uống mật ong pha với nước ấm để làm loãng đờm.
- Thuốc hạ sốt: Bạn có thể cho bé sử dụng thuốc hạ sốt dành cho trẻ sơ sinh nếu con sốt cao. Song nếu bé sốt cao hơn 38°C và có dấu hiệu mệt mỏi, lừ đừ, bỏ bú, quấy khóc… bạn nên đưa con đi khám ngay. Việc trẻ dưới 4 tháng tuổi bị sốt, thậm chí là sốt nhẹ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
2. Trẻ sơ sinh bị ho do viêm thanh khí phế quản
Bệnh viêm thanh khí phế quản là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho và thở khò khè. Khi khí quản và thanh quản bị viêm khiến lớp màng khí quản sưng lên gây nên tình trạng khó thở ở trẻ em, còn gọi là viêm thanh khí phế quản. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm nên đôi khi khiến trẻ khó chịu, quấy khóc vì khó thở. Nếu bé bị khó thở kèm với sốt cao, bạn nên đưa con đi khám để được chăm sóc y tế kịp thời.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm thanh khí phế quản:
- Trẻ thở yếu
- Ho từng cơn ngắn và tiếng ho khá lớn
- Bé thở nghe như tiếng ngáy hay tiếng huýt sáo qua kẽ răng
- Da bé tái xanh
- Trong các trường hợp nghiêm trọng, bé sẽ cố vận động các cơ quanh mũi, cổ và cánh tay để dễ thở hơn.
Phương pháp điều trị
Trước tiên, bạn cố gắng làm dịu con cơn ho của bé như ẵm bé ở tư thế vác vai rồi vỗ nhẹ vào lưng bé. Sau đó, hãy áp dụng một trong các phương pháp sau để giảm bớt tình trạng khó thở cho bé:
- Ẵm bé ngồi trong phòng tắm, đóng cửa lại, mở vòi sen nóng để bé hít thở khí nóng ẩm.
- Nếu trời mát, không khí trong lành, bạn hãy đưa bé ra ngoài đi dạo, không khí ẩm, thoáng đãng sẽ giúp bé dễ thở hơn.
- Cho bé ở trong phòng có mở máy làm ẩm không khí.
Tình trạng viêm tắc thanh quản ở trẻ sẽ giảm sau 3 – 5 ngày. Nếu sau thời gian này bệnh của bé chưa thuyên giảm, bạn nên đưa con đi bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn gây ra khi bé sơ sinh bị cảm lạnh thông thường. Bé ho do viêm phổi thường có đờm xanh hoặc vàng.
Việc điều trị bệnh viêm phổi cho bé phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh (virus hay vi khuẩn). Do đó, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là khi bé ho kèm theo sốt. Bệnh viêm phổi do vi khuẩn gây ra thường nguy hiểm hơn so với virus, phổ biến nhất là viêm phổi do vi khuẩn Strep gây nên.
4. Trẻ sơ sinh bị ho và thở khò khè do viêm phế quản hoặc hen suyễn
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ho và thở khò khè do viêm phế quản và hen suyễn thường xuất hiện sau khi bé bị cảm lạnh, sổ mũi. Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ dưới 2 tuổi ít bị bệnh hen suyễn, trừ khi bé bị bệnh eczema (chàm) và gia đình có người bị dị ứng và hen suyễn.
Phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 1 tuổi là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Virus này gây bệnh cảm lạnh thông thường ở trẻ lớn hơn 3 tuổi nhưng nếu xâm nhập vào phổi của trẻ sơ sinh, nó có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trẻ sơ sinh bị ho và thở khò khè do hen suyễn thường có các dấu hiệu sau:
- Bé có các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh và thở rất khó khăn
- Bé có biểu hiện ngứa
- Bé bị chảy nước mắt
Bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ thường gặp vào mùa thu, mùa đông và có thể kèm theo sốt nhẹ, ăn ít hoặc bỏ ăn. Bạn nên cho bé bú đủ, uống nước bổ sung và dùng máy phun sương tạo độ ẩm cho bé dễ thở. Khi bé thở khò khè, bạn nên theo dõi nhịp thở của con. Nếu bé thở hơn 50 hơi thở/phút, bé có nguy cơ cao bị suy hô hấp. Bạn nên đưa con đến bệnh viện ngay.
Đôi khi, điều trị tình trạng thở khò khè giúp bé thở dễ dàng hơn, bác sĩ sẽ cho bé sử dụng thuốc hen suyễn dù bé không bị bệnh này. Nếu bé bị ho dữ dội hoặc tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn sau 1 – 2 ngày, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Nếu bé bị ho và thở khò khè do bệnh hen suyễn nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ xông albuterol. Để thực hiện, bạn cho albuterol vào máy xông khí dung để chất lỏng thành khí. Cho trẻ đeo mặt nạ vào để bé có thể hít thuốc dễ dàng hơn.
5. Trẻ sơ sinh bị ho vì bệnh ho gà
Ho gà là căn bệnh do vi trùng Bordetella pertussis gây ra, rất dễ lây và làm nhiều bệnh nhân tử vong nhất trong các chứng bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Bordetella pertussis tấn công lớp niêm mạc đường thở, gây viêm trầm trọng, làm hẹp và đôi khi chặn đường thở của trẻ. Trẻ bị ho gà sẽ ho từng cơn kế tiếp nhau, càng lúc càng nhanh rồi yếu dần, sau đó đến giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy. Sau mỗi cơn ho, bé bị đỏ mặt, môi tím, hai mí mắt sưng, tĩnh mạch cổ nổi lên.
Trong hầu hết các trường hợp bị ho gà, bé không có triệu chứng cảm lạnh hoặc sốt. Trẻ sơ sinh bị ho do mắc bệnh ho gà thường có các dấu hiệu sau:
- Ho thường xuyên, ho từng cơn dài nối tiếp nhau
- Lưỡi thè ra
- Mắt lồi
- Sắc mặt đổi màu.
Nếu bị chẩn đoán mắc bệnh ho gà, bé có thể phải nhập viện để được theo dõi và điều trị đúng cách, hỗ trợ thở oxy trong các cơn ho.
Cách phòng tránh, điều trị hữu hiệu nhất là bạn cho bé tiêm phòng ho gà đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn hay người trông coi bé nên được tiêm chủng uốn ván, bạch cầu, ho gà tăng cường để tránh lây bệnh cho bé.
6. Trẻ sơ sinh bị ho do sặc hay hóc dị vật
Bị sặc khi bú hoặc chơi với thú nhồi bông đôi khi cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho. Để hạn chế trẻ bị ho, bạn không nên cho bé nằm bú, nhất là với bé bú sữa công thức, không để thú nhồi bông xung quanh chỗ bé nằm vì thú nhồi bông có chất lượng kém rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ.
Trong một số trường hợp, bé có thể bị viêm phổi do thức ăn hay dị vật bị kẹt trong đường hô hấp. Ngoài ra, việc bị hóc dị vật chẳng hạn như một mẩu đồ chơi nhỏ, cúc áo, hạt đậu phộng, hạt nhãn, mẩu thức ăn nhỏ… cũng khiến trẻ ho dữ dội. Hóc dị vật là nguyên nhân phổ biến nhất gây nghẹt thở ở trẻ nhỏ. Nếu bé bỗng thở hổn hển hoặc ho đột ngột trong khi ăn hoặc chơi với đồ chơi có chi tiết nhỏ, bạn hãy kiểm tra xem bé có bị hóc hay không.
Nếu bé bị hóc và dị vật đã chặn kín đường thở của bé, bé sẽ có các triệu chứng:
- Bé không thể ho được, miệng há to
- Da bé xanh hoặc rất nhợt nhạt do tình trạng thiếu oxy.
Cách xử trí khi trẻ hóc dị vật
Hãy nhanh chóng đỡ bé nằm úp trên tay, bạn vỗ vào khoảng giữa hai xương bả vai của bé để bé có thể ho mạnh giúp tống xuất dị vật ra.
Nếu bạn không thể lấy dị vật ra, hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Tuyệt đối không dùng tay để lấy dị vật vì bạn có thể đẩy dị vật vào sâu bên trong.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho bé chụp X-quang hoặc nội soi phế quản nhằm xác định vị trí của dị vật để dễ dàng lấy nó ra khỏi cơ thể bé.